Hơn 10 năm bám trụ tại TP HCM, mới đây, chị Nguyễn Thị Huyền (quê Nghệ An) quyết định cùng chồng và 2 con về quê. Bởi lẽ, sau nhiều năm làm lụng vất vả, họ vẫn không tích lũy được bao nhiêu.
Ngày càng chật vật
Chị Huyền là công nhân (CN) may tại Công ty TNHH P.Y Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Chồng chị - anh Hồ Duy Nhân - trước đây cũng làm CN. Từ ngày vợ sinh thêm con thứ 2, anh phải chuyển sang làm lao động tự do để có thời gian chăm sóc con nhỏ.
Tổng thu nhập của vợ chồng chị Huyền mỗi tháng khoảng 15-17 triệu đồng. Chị nhẩm tính: "Tiền trọ, điện, nước, tiền chợ và tiền học của 2 đứa con mỗi tháng đã ngốn hết gần 12 triệu đồng. Tháng nào mấy đứa nhỏ khỏe mạnh thì còn dành dụm được chút đỉnh, nếu gặp trái gió trở trời mà chúng đổ bệnh thì xem như không dư được đồng nào". Gia đình chị Huyền dự định đến cuối tháng 6-2022, sau khi cậu con trai lớn hoàn thành chương trình học lớp 4, họ sẽ về quê.
Tương tự vợ chồng chị Huyền, đa số CN ngoại tỉnh cũng lâm vào tình trạng "giật gấu vá vai". Có thâm niên gần 8 năm làm việc tại một công ty nhựa trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM song anh Nguyễn Huy Hoàng (quê Bến Tre) vẫn quyết định nộp đơn xin thôi việc. Nguyên do là bởi vật giá leo thang mà đồng lương của anh vẫn "giậm chân tại chỗ".
Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống khiến nhiều công nhân phải thắt lưng buộc bụng Ảnh: HỒNG ĐÀO
Sau Tết Nguyên đán 2022, do công ty không tăng ca nên thu nhập của CN giảm sút, hiện mỗi tháng anh Hoàng chỉ kiếm được khoảng 7 triệu đồng. Thu nhập của vợ anh - chị Huỳnh Thu Ngân, hiện là giáo viên một trường mầm non ở quận 11, TP HCM - cũng không cao hơn chồng.
"Hai năm qua lương không tăng, chúng tôi trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán đến nay thì công ty không tăng ca, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng, vật giá cũng leo thang khiến đời sống CN ngày càng chật vật" - anh Hoàng băn khoăn. Cưới nhau hơn 5 năm nhưng vợ chồng anh vẫn chưa dám sinh con vì còn phải gửi tiền về quê phụ giúp gia đình.
Năm 2021, khảo sát của Viện CN và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy: 21% người lao động (NLĐ) phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% NLĐ phải giảm lượng thịt hằng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% NLĐ phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ BHXH.
Sức chịu đựng của người lao động đã đến ngưỡng
Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia chiều 28-3, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng cho người NLĐ từ ngày 1-7-2022.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng có nhiều lý do để tăng LTT vùng cho NLĐ từ thời điểm này. Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp (DN), từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức LTT vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Việc điều chỉnh mức LTT vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, NLĐ chia sẻ với khó khăn của DN nên năm 2021, LTT vùng không được điều chỉnh. Lần điều chỉnh LTT vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II 3,92 triệu, vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
"Vẫn biết DN hết sức khó khăn nhưng NLĐ cũng hết sức khốn khó. Rõ ràng, sức chịu đựng của NLĐ cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền LTT vùng, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng và trượt giá rất nhiều nên đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn" - đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, NLĐ cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Việc tăng lương là có lợi cho cả DN và NLĐ. Cùng với việc chống dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng việc tăng LTT vùng từ 1-7-2022 là có thể thực hiện được.
Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện CN và Công đoàn, cho rằng cần sớm điều chỉnh tiền LTT vùng ngay trong năm 2022. Nếu đợi đến năm 2023 mới điều chỉnh thì trong một khoảng thời gian quá dài, NLĐ không được tăng LTT trong khi các chỉ số làm căn cứ điều chỉnh tiền LTT đã thay đổi rất nhiều.
"Trong 2 năm qua, NLĐ đã rất chia sẻ với DN, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh để đồng hành cùng DN. Như vậy, về phía DN cũng cần có trách nhiệm tính toán bù đắp tiền lương, thu nhập để bảo đảm đời sống cho NLĐ" - ông Vũ Minh Tiến nhìn nhận.
Theo ông Vũ Minh Tiến, LTT vùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả khả năng chi trả của DN, song cũng còn một loạt các yếu tố khác như: chỉ số giá tiêu dùng, trượt giá, tốc độ tăng trưởng GDP, quan hệ cung cầu lao động, năng suất lao động. "Xét cả về quy định pháp luật và tình cảm thì không thể không tăng LTT vùng" - ông nhấn mạnh.
Lương thấp tác động tiêu cực đến đời sống người lao động
Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của CN lao động. Theo nghiên cứu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2020, hơn 30 triệu NLĐ bị mất việc làm, nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do dịch Covid-19. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, LTT của NLĐ không tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng, dẫn đến thu nhập thực tế của NLĐ giảm khoảng 10% so với năm 2019.
NLĐ đã phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, sử dụng đến khoản tiền tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hằng ngày. Cùng với những lo lắng về bữa cơm, manh áo hằng ngày, CN lao động còn lo lắng, bất an, sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi phải sống trong những khu nhà trọ chật chội, không bảo đảm điều kiện sống và điều kiện an ninh, an toàn phòng chống dịch; lo lắng về việc học hành, an toàn, chăm sóc con cái; lo lắng về nhiều khoản chi phí phát sinh như khám chữa bệnh, xét nghiệm, phòng dịch cho cá nhân, gia đình…
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất đó, đã xuất hiện trường hợp NLĐ buộc phải chọn các hành vi tiêu cực như: tham gia "tín dụng đen", cầm cố sổ BHXH, rút BHXH một lần… Nhiều NLĐ sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại thành phố, KCN.
Kỳ tới: Công nhân cần được chia sẻ
Bình luận (0)