Ông Ba (quê Phú Yên) bán vé số dạo tại TP HCM hát những ca khúc Xuân để vơi đi nỗi buồn.
Ngày đầu năm, tại TP HCM, đường phố trở nên thưa thớt bởi phần lớn lao động ngoại tỉnh đã về quê đón Tết.
Nhưng ở rất nhiều con hẻm "vé số dạo" tại quận 1 và 3 vẫn có rất đông người già ở lại ăn Tết. Họ tranh thủ ngày đầu năm để kiếm thêm thu nhập. Tất thảy chỉ mơ sau Tết trở về quê sum vầy cùng gia đình, con cháu, bởi chi phí đi lại quá đắt đỏ.
Ông Huỳnh Văn Đỏ và xấp vé số nặng trĩu trên tay và những giấc mơ sum họp gia đình...
Tại một căn nhà trọ lụp xụp nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, chúng tôi chứng kiến cảnh hơn 20 người già đang chia nhau từng ô gạch để ngã lưng.
Phía trước căn nhà trọ chỉ có 1 chậu cúc nhỏ để cho có không khí Tết, còn bên trong rất hiu quạnh.
Cầm trên tay một xấp vé số hơn 200 tờ, ông Huỳnh Văn Đỏ rưng rưng nước mắt: "Muốn bán hết chừng này phải đi bộ 15km, mất cả ngày. Thế nhưng tiền lời chỉ 200.000 đồng, bằng 1/3 giá vé xe đò về quê. Còn đi tàu thì bằng 1/5. Đợi qua Tết vé tàu, xe giảm thì tui mới tính chuyện về quê".
Những sấp vé số nặng trĩu và giấc mơ đoàn viên đối với nhưunxg người bán vé số dạo
Ông Đỏ cho biết dịp Tết người dân TP HCM có thói quen mua vé số với số lượng lớn. Lý do là vì họ muốn ban phát lộc cho những người khó khăn và hy vọng sẽ gặp may mắn đầu năm. Bỏ qua một cái Tết để ở lại TP bán vé số là dịp để những người con xứ Nẫu để kiếm một ít tiền về quê.
"Quần quật cả năm nên ai cũng muốn về quê sum vầy với gia đình, con cháu trong những ngày Tết. Nhưng khó khăn thì đành chịu vậy, chứ ra đường thấy gia đình người ta đi chơi Tết mà tủi thân chú ơi", ông Đỏ phân trần. Nghe ông Đỏ bộc bạch, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Sau khi bán vé số trở về căn trọ, những người lớn tuổi thường kể nhau về cuộc sống quê nhà mong phần nào bớt đi nỗi buồn...
Bà Sáu và người thân cũng là người đồng hành cùng nhau đi bán vé số.
Ghé thăm một căn phòng trọ trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP HCM, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng hát của một ông lão. Những ca khúc Xuân được ông hát liên tục không ngừng nghỉ.
Bước vào bên trong, phải cố gắng lắm chúng tôi mới không vấp phải hàng chục cô bác lớn tuổi đang ngả lưng trong một khoảng không gian chật hẹp. Bước lên gác, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi đang nhịp chân, mắt lim dim, ngân nga câu hát: "Con biết Xuân này mẹ chờ tin con...".
Người đó chính là ông Ba, 63 tuổi, quê Phú Yên và hành nghề vé số dạo được 4 năm. Năm nay, ông Ba ăn Tết xa nhà vì chi phí đi lại quá đắt đỏ trong khi số tiền dành dụm từ việc bán vé số dạo không được là bao. "Tết là dịp để gia đình đoàn tụ. Tuy nhiên, ước mơ đơn giản đó đối với chúng tôi lại không dễ thực hiện. Cũng vì miếng cơm, manh áo cả thôi chú ơi..", giọng ông Ba chùng xuống, ánh mắt xa xăm. Nói xong, ông Ba ngả lưng ra chiếc gối kê sẵn góc tường. Ông cho biết thức dậy từ 6 giờ sáng và lội bộ hơn 10km để bán vé số nên toàn thân ê ẩm, đau nhức, phải tranh thủ ngả lưng để lấy lại sức.
Ông tâm sự: "Mới mùng 1 Tết bán được 50 tờ vé số. Người Sài Gòn thật hào sảng, vừa mua vé số vừa lì xì. Chắc đợt này về quê có tiền làm lại sân nhà sau đợt lũ 2018...".
Ông Ba (bìa phải) hát những ca khúc Xuân cho những người bán vé số dạo vơi đi nỗi nhớ nhà
Xóm vé số đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP HCM (Cạnh chợ Nancy)
Gặp chúng tôi, nhiều cụ già lớn tuổi ở xóm vé số trên đường Đỗ Quang Đẩu, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM, khoe lượng vé bán được dịp Tết gấp 2-3 lần so với ngày ngày thường. Tôi cũng mừng cho họ. Tuy nhiên, để ý kỹ thì bữa cơm ngày Tết cụa họ vẫn rất đạm bạc. Mỗi người một hộp cơm, chén canh. Rất khó có thể cùng nhau làm một mâm cơm bởi người này về trước, người nọ về sau.
Ông Trần Văn Thành, 71 tuổi, quê huyện Đồng Xuân, Phú Yên cho biết, hầu hết mọi người sẽ trở về quê đón Tết sau rằm tháng Giêng. Lúc đó vé xe vừa rẻ vừa có thêm ít tiền về giúp đỡ con cháu. Hơn nữa, cũng kịp gặt lúa vụ đông - xuân.
Sau bữa cơm trưa, đúng 14 giờ tất cả những người trong căn nhà thuê toả khắp các nẻo đường để bán vé số. Không hiểu sao, chúng tôi lại tin tưởng rằng, sau Tết này sẽ có một cái Tết đoàn viên đối với những người già mưu sinh này.
Dù Tết, nhưng bữa cơm đối với những người bán vé số vẫn đạm bạc.
Khi nói về Tết, hầu hết ai cũng đều xúc động và nỗi nhớ nhà.
Giấc ngủ trưa nghỉ lấy sức để tiếp tục đi bán vé số vào những ngày đầu năm.
Bình luận (0)