Cuối năm 2017 đầu năm 2018, một số chủ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM đã đột ngột "biến mất", khiến hàng trăm người lao động (NLĐ) lao đao vì không có tiền lương, thưởng Tết
Những cuộc biến mất bí ẩn
Vụ "biến mất" gây lùm xùm nhất phải kể đến Công ty TNHH Nam Phương (100% vốn Hàn Quốc, KCN Tây Bắc Củ Chi) khiến gần 600 công nhân (CN) điêu đứng, phải lãn công nhiều ngày liền. Theo đó, từ đầu tháng 1/2018, Giám đốc Công ty Nam Phương là ông Nam Sung Ho (quốc tịch Hàn Quốc) không còn xuất hiện ở công ty. Đến kỳ lương, không thấy giám đốc xuất hiện, lại không được nhận lương, công nhân đã ngừng việc tập thể. Ban quản lý và Công đoàn các KCX-KCN TP đã nhiều lần có thư mời ông Nam Sung Ho lên giải quyết; tuy nhiên, ông này vẫn bặt vô âm tín.
Sau một tháng biến động vì giám đốc "biến mất", Công ty Nam Phương đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do đơn hàng không nhiều, CN chủ yếu làm công tính theo ngày nên DN đã báo giảm toàn bộ lao động và làm thủ tục xin tạm ngưng đóng BHXH, BHYT. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 12-2017, DN này còn nợ khoảng 26,8 tỉ đồng BHXH, BHYT. Khoảng 300 CN nghỉ việc trước và sau thời điểm ngừng việc đã được chốt và trả sổ BHXH; ông Nam Sung Ho cũng liên lạc với một số cán bộ quản lý qua Zalo hứa hẹn sẽ trở về giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa biết chính xác ngày nào.
Cứ mỗi khi doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, chủ "biến mất" là hàng trăm, hàng nghìn lao động lại khốn khổ vì bị nợ lương, nợ BHXH, BHYT, gây bao hệ lụy cho xã hội
Tương tự, tại Công ty TNHH BumJin Vina (KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân), từ hôm 10-2 (tức 25 Tết), ông Park Kye Ho- Giám đốc, đại diện pháp luật của công ty cũng đột ngột "biến mất". Tuy nhiên, do công ty hẹn ngày 28 tháng Chạp mới trả lương nên CN không chú ý đến sự việc giám đốc không có mặt ở công ty. Đến cuối ngày 28 tháng Chạp, không thấy lương đâu, các CN mới tập trung trước trụ sở công ty yêu cầu giải quyết. Từ đó đến nay, họ luôn "ngóng" tin về ông chủ, hy vọng sẽ được giải quyết tiền lương và BHXH, nhưng vô vọng khi số nợ BHXH lên tới hơn 2,9 tỉ đồng.
Bên cạnh 2 "ông lớn" này, không thể không nhắc đến Công ty KL Texwell Vina (trụ sở tại tỉnh Đồng Nai). Theo đó, sáng 26-2, hàng trăm CN đã đến công ty để làm việc sau khi hết lịch nghỉ Tết. Tuy nhiên, khu nhà xưởng đóng cửa im ỉm, còn ông Chang Jeen Kim- Tổng Giám đốc công ty đã âm thầm "biến mất" từ trước Tết Nguyên đán cùng với khoản nợ lương tháng 1 gần 13,7 tỉ đồng của trên 1.900 CN. Đồng thời, Công ty này cũng được xác định nợ BHXH từ tháng 8/2017 đến nay, với tổng số tiền 17,5 tỉ đồng, khiến hơn 2.000 CN bị ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi, đặc biệt là những CN đang mang thai và nữ công nhân lớn tuổi…
Cần xác định rõ khái niệm chủ doanh nghiệp bỏ trốn
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 28 (khóa XI) vừa diễn ra, đại diện LĐLĐ TP HCM đã chia sẻ thực trạng chủ DN bỏ trốn đang diễn ra trên địa bàn TP. Theo lãnh đạo LĐLĐ TP, thủ tục để xác định thế nào là chủ bỏ trốn vẫn còn rất khó khăn, chủ bỏ đi đồng nghĩa với CN bị nợ lương, nợ BHXH. "LĐLĐ TP HCM cũng tìm mọi cách để bảo vệ NLĐ như đóng tiền BHXH cho những trường hợp nữ mang thai, để họ được hưởng chế độ thai sản. Thậm chí, còn phải nộp cả phần lãi do DN nộp chậm tiền đóng BHXH…"- lãnh đạo LĐLĐ TP cho biết.
Chính vì vậy, LĐLĐ đồng ý với đề xuất giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Khoản 7, Điều 10 của Luật BHXH năm 2014 (biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết), nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của NLĐ, nhất là NLĐ ở các DN có chủ bỏ trốn.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng, chủ DN bỏ trốn được coi là vấn đề thời sự, rộ lên tại thời điểm trước Tết và hiện vẫn đang diễn ra. Vấn đề giải quyết tài sản trong những trường hợp này hiện còn rất nhiêu khê. Vì vậy, theo ông Hải, các ngành liên quan cần kiến nghị Thủ tướng ban hành quy định giải quyết tổng thể thực trạng này; trong đó có việc kiến nghị khôi phục Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế…
Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phân tích thêm: Năm 2009, khi hiện tượng chủ DN "bỏ đi không hẹn ngày trở lại" rộ lên, Thủ tướng đã có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg. Tại Điều 2 của quyết định này có ghi "đối với NLĐ bị mất việc làm tại DN mà chủ DN bỏ trốn trong năm 2009…". Như vậy, quyết định có nhắc đến "chủ DN bỏ trốn", nhưng tiêu chí như thế nào là "chủ DN bỏ trốn" thì cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào định nghĩa cụ thể. Đồng thời, cũng chưa có quy định về quy trình xử lý tài sản đối với DN có chủ bỏ trốn.
Đây chính là "điểm thắt", khiến hàng ngàn NLĐ bị thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi (việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT...), đòi hỏi pháp luật phải có sự điều chỉnh, nhằm đưa ra những tiêu chí cụ thể về việc chủ DN bỏ trốn. Chẳng hạn, trong vòng bao nhiêu ngày người đại diện của DN vắng mặt mà không có thông báo cho chính quyền sở tại và không có ủy quyền hợp pháp cho người khác hoặc các cơ quan chức năng đã có thông báo công khai mà chủ DN không có phản hồi thì được xem là "chủ DN bỏ trốn". Khi đó, cơ quan chức năng được quyền thanh lý tài sản của DN theo luật định để trả lương, BHXH, BHYT cho NLĐ. Đồng thời, qua đó làm cơ sở cho NLĐ hoặc tổ chức Công đoàn khởi kiện, yêu cầu phá sản DN để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Bình luận (0)