Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang giao Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để trình Chính phủ. Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) trình độ đại học, cao đẳng ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel.
Phải xác định nhu cầu
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý III/2016 do Bộ LĐ-TB-XH kết hợp với Tổng cục Thống kê công bố mới đây, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Trong đó bao gồm 456.100 người có chuyên môn kỹ thuật; nhiều nhất ở các nhóm trình độ đại học trở lên (202.300 người), cao đẳng chuyên nghiệp (122.400 người), trung cấp chuyên nghiệp (73.800 người). Theo dự báo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2017 số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tiếp tục gia tăng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết thời gian qua, Việt Nam chủ yếu XKLĐ phổ thông, trình độ thấp. Việc XKLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ mới triển khai vài năm trở lại đây. Cụ thể là nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình “Thẻ vàng” (Visa E7) nhưng số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế. “Đề án được coi là tìm hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp để họ có cơ hội tham gia các chương trình XKLĐ, tìm việc làm. Các nước đều cần nguồn lao động chất lượng cao và có chính sách khuyến khích tiếp nhận. Bộ LĐ-TB-XH sẽ nỗ lực đàm phán với các nước để họ tiếp nhận”- ông Diệp nói. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cũng thận trọng cho biết đề án đặt rõ mục tiêu sẽ thương thảo với đối tác, dựa vào nhu cầu để mở từng thị trường, chứ không mở đồng loạt.
Nói thì dễ…
Cùng với việc chuẩn bị đề án trên, Bộ LĐ-TB-XH sẽ triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Úc; tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức theo các chương trình đã ký kết.
Ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực (LOD), cho rằng nếu được triển khai thì đề án sẽ mang lại hiệu quả lớn cho XKLĐ của Việt Nam. Dù vậy, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tân cũng tỏ ra băn khoăn: “Nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã từng tiếp nhận đơn hàng của một đối tác ở Trung Đông. Họ có 150 ngành nghề, lương tháng từ cao xuống thấp nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung chọn các vị trí tuyển dụng từ mức lương thấp lên cao. Hiện nay, XKLĐ của Việt Nam đi các thị trường khắp thế giới nhưng đâu đâu cũng chỉ thấy lao động phổ thông, thi thoảng mới thấy đưa được lao động chất lượng cao như đưa điều dưỡng đi Nhật, đi Đức. Tuy nhiên, kể cả lao động có trình độ thì sang nước ngoài vẫn phải đào tạo lại. Việc XKLĐ chất lượng cao chỉ khả thi trong trường hợp các doanh nghiệp ngoài nước vào Việt Nam đầu tư, sau một thời gian thì đưa lao động của chính công ty họ ra nước ngoài làm việc”.
Còn ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho rằng muốn triển khai đề án, trước mắt phải đánh giá chính xác, đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động các nước. Tiếp đó phải thực hiện đánh giá nguồn cung nhân lực của Việt Nam, rồi từ đó khớp nối dữ liệu để có cơ sở thực hiện. Ông Nam nhấn mạnh: “Dù Việt Nam hiện có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy những cử nhân này thuộc ngành nghề nào? Ngoài ra, đa số cử nhân của Việt Nam còn hạn chế về ngôn ngữ, kỹ năng. Nếu muốn XKLĐ với nhóm này thì cần đào tạo tăng cường về ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Chỉ khi có dữ liệu đầy đủ thì cục mới tính toán lập đề án được”.
Quan trọng là chất lượng lao động
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, cho rằng việc đưa lao động có trình độ kỹ thuật của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khả thi hay không còn tùy từng ngành nghề. Ngoài ra, chất lượng đào tạo và ngành nghề đào tạo có phù hợp với nhu cầu của phía nước ngoài hay không mới thực sự quan trọng. Qua tìm hiểu, một số thị trường như Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel… đang cần lao động trình độ kỹ thuật cao nhưng chỉ ở một số chuyên ngành như điều dưỡng, kỹ thuật, cơ khí, xây dựng chứ không có nhu cầu lao động các chuyên ngành nghiên cứu, xã hội học…
Bình luận (0)