Cuối năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cùng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhận định 2020 sẽ là năm bứt phá trong XKLĐ. Căn cứ kết quả trong năm 2019, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài sự nỗ lực của ngành LĐ-TB-XH thì những thị trường mới, các chương trình tiếp nhận lao động mới cũng hứa hẹn bùng nổ trong năm nay. Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Tư vấn online
Lê Thủy Tiên, nhân viên tư vấn tuyển sinh của một công ty XKLĐ trên đường Bàu Cát, quận Tân Bình (TP HCM), cho biết kể từ đầu tháng 2 đến nay, công việc tư vấn của mình chuyển toàn bộ qua kênh online theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty để bảo đảm sức khỏe, tránh lây nhiễm. "Trước đây, tôi chạy khắp nơi, gặp gỡ có khi cả 10 người mỗi ngày để tư vấn các gói chương trình sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi dịch bùng phát, công ty hạn chế cho nhân viên tiếp xúc bên ngoài để tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Từ đó, toàn bộ nhân viên tư vấn tuyển sinh đều làm việc online tại văn phòng. Từ đầu tháng 3 đến giờ thì làm việc online tại nhà luôn" - Tiên nói.
Theo Thủy Tiên, do lo ngại lây dịch bệnh, NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ cũng lên mạng tìm hiểu và gọi điện thoại nhờ tư vấn chứ không ai dám đến các công ty tìm hiểu chương trình. Rồi lệnh cấm bay, cấm xuất cảnh, ngừng nhập cảnh của các nước có dịch bệnh cũng phần nào gây khó khăn trong công tác tuyển sinh XKLĐ. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của công ty chắc chắn không đạt. Thủy Tiên dự báo sẽ giảm khoảng 40% so với chỉ tiêu đề ra nếu dịch được khống chế trong nửa năm đầu, 6 tháng còn lại sẽ tăng tốc tuyển sinh thì mới "lấy" được 60% chỉ tiêu đã định.
Người lao động tham gia xuất khẩu lao động học ngoại ngữ trực tuyến
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Hoài Phượng, Giám đốc tuyển sinh và marketing Công ty CP Đối tác DNG VIETNAM (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng với tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài, tất cả DN XKLĐ và du học đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng chỉ tiêu tuyển sinh mà các bạn đủ điều kiện xuất cảnh cũng chưa thể "bay" được. Đây là giai đoạn khủng hoảng chưa từng thấy với mọi ngành nghề, trong đó có XKLĐ. "Chúng tôi đã hạ chỉ tiêu và thay đổi phương thức tuyển sinh. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, công ty triển khai đồng bộ cả offline và online nhưng khi dịch bùng phát, online là kênh duy nhất để chúng tôi tuyển sinh. Vì thế, cách bố trí, sắp xếp công việc cho nhân viên bộ phận tư vấn tuyển sinh cũng thay đổi nhiều. Rất may mắn, công nghệ phát triển, internet tại Việt Nam tốt, nhân viên thay đổi cách làm việc cũng rất nhanh nên dù khó khăn, chúng tôi vẫn tuyển sinh được. Tuy nhiên, ứng viên mới chỉ đăng ký giữ chỗ chứ chưa thể nhập học và làm thủ tục" - bà Phượng nói.
Học trực tuyến
Một trong những chuyển đổi nhanh chóng của các DN XKLĐ là dạy học trực tuyến. Không chỉ các trường phổ thông, cao đẳng hay đại học, DN XKLĐ cũng phải nhanh chóng triển khai dạy học trực tuyến để tranh thủ thời gian chết trong kỳ nghỉ kéo dài nhất lịch sử để phòng tránh Covid-19. Giải pháp này giúp các DN XKLĐ bảo đảm tiến độ đào tạo ngoại ngữ cho NLĐ để họ có thể xuất cảnh khi hết dịch bệnh.
Ông Lê Đức Thiện, Phó Phòng Quản lý đào tạo và Công tác học viên - Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET), cho biết khi Chính phủ rồi UBND TP HCM có các chỉ đạo yêu cầu tạm ngưng việc dạy và học để cùng phòng chống lây nhiễm Covid-19, IET đã nhanh chóng triển khai việc dạy và học trực tuyến qua Zoom. "Giải pháp này rất hữu ích, được cả thầy và trò hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi đã mua bản quyền và sẽ duy trì việc học trực tuyến này để bảo đảm tiến độ học ngoại ngữ của học viên. Qua ứng dụng này, chúng tôi cũng kiểm soát được tình hình sức khỏe, đi lại của học viên và liên tục đưa ra khuyến cáo theo Bộ Y tế và Chính phủ để bảo đảm sức khỏe cho học viên và người thân của họ. Tuy học trực tuyến nhưng không khí học tập tốt do học viên ý thức được trách nhiệm của mình và con đường mình đã chọn. Họ đồng hành với viện, cùng chính quyền để vượt qua mùa dịch này" - ông Thiện nói.
Ở góc độ người học, bạn Lê Ngân Phương (22 tuổi, quê Đồng Tháp) cho rằng học online vài buổi đầu không quen lắm nên khó tiếp thu nhưng sau đó quen dần lại thấy thích bởi tương tác liên tục với giáo viên. Phương nhận xét cách công ty Phương chọn để sang Nhật Bản làm thực tập sinh đã chuyển hướng đào tạo ngoại ngữ khá nhanh và cách họ tổ chức lớp cũng rất khoa học. Mỗi lớp học chỉ từ 10 đến 12 học viên nên việc tương tác giữa người học và người dạy mang lại hiệu quả. Bài tập và bài kiểm tra cũng được chuyển qua ứng dụng để người học vừa học vừa hành nên rất thuận lợi.
Động viên thực tập sinh
Là DN có rất nhiều thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản, Công ty TNHH Esuhai liên tục giữ liên lạc với thực tập sinh của mình để có các giải pháp hỗ trợ, đồng thời gửi thư động viên để họ bớt lo lắng, yên tâm làm việc.
"Esuhai mong các bạn thấu hiểu, bình tĩnh và đoàn kết trong giai đoạn quyết định này. Esuhai sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình và thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản để hỗ trợ tốt nhất cho các bạn" - trích thư của Esuhai.
Bình luận (0)