Họ, từ muôn nẻo và có chung một mục đích ra đi: Đổi đời! Trương Ngọc Quang, quê Nghệ An, là con thứ ba trong gia đình nghèo có bốn anh em. Anh trai cả cũng đang xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Học xong lớp 12 không theo con đường đại học, anh vào Nam làm việc được một năm thì về hẳn quê, rồi đi Nhật. 370 triệu đồng là cái giá để hành trình được bắt đầu.
Muôn nẻo ra đi
Mai Văn Thiệp (1991) sinh ra tại Đồng Trạ, Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, một vùng núi đầy khó khăn. Anh kể: "Tôi chỉ làm nghề mộc, vợ tôi thì bán hàng vặt. Thu nhập của hai vợ chồng tôi thì không dư dả được mấy. Tôi có hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học cho nên phải chi tiêu nhiều. Với mong mỏi có một số vốn trang trải cuộc sống cho gia đình, nên tôi quyết định đi".
"Cuối năm 2017, tôi khăn gói lên Hà Nội để học tiếng Trung. Vay môi giới một nửa, một nửa vay người quen, thế là đi".
Khác với anh Quang và anh Thiệp, anh Thuận (1990, Thanh Hóa) lại được coi là lận đận đường xuất ngoại. Học xong đại học, đi làm 3 năm, không có tiền vốn giắt lưng. "Nằm nhìn trần nhà, nghĩ bụng, quyết đi một chuyến đổi đời". Ý định đi Nhật nhưng tiền đi đến hơn 200 triệu. Thế là đành đi Đài Loan với một hợp đồng 3 năm, làm cơ khí.
Anh Mai Văn Thiệp (Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng về hành trình của mình.
Ở một miền đất khác, tại xứ sở của hoa anh đào, Tạ Đức Huy (21 tuổi, Như Thanh, Thanh Hóa) cũng đã đặt bao nhiêu kì vọng vào miền đất hứa. Là trai trưởng trong gia đình thuần nông nghèo có 3 anh chị em ở một huyện miền núi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huy làm máy xay gạo, kiếm vài chục nghìn một ngày.
Thu nhập không cao, gia đình lại có khoản nợ ngân hàng vì làm nhà, Huy kể có người hàng xóm vỗ vai bảo rằng: "Thanh niên trai tráng thế này đi nước ngoài mà kiếm tiền làm giàu. Ở nhà làm gì cho cuồng tay, cuồng chân". Có vỏn vẹn từng đấy thôi cộng với cái máu chiến của tuổi trẻ mà chàng trai đã quyết chí ra đi.
Những giấc mơ vụn vỡ
Trước khi đi xuất khẩu lao động, mỗi một người sẽ nhận được một bản hợp đồng, trong đó quy định khoảng thời gian và công việc mình làm.
Anh Tạ Đức Huy giãi bày: "Theo hợp đồng đã kí trước đó thì giờ làm việc mỗi ngày là 8 tiếng. Nhưng thực tế khi sang làm, hầu như ngày nào công ty của Huy cũng ép buộc công nhân tăng ca. Nếu tăng ca dưới 30 phút, không được tính thêm tiền. Chỉ khi tăng ca quá 30 phút thì mới tính vào lương, nhưng cũng chỉ bằng lương đã quy định chứ không có phụ cấp làm ngoài giờ".
Thở hắt ra, Huy tỏ vẻ bất lực: "Công ty môi giới Việt Nam lúc đầu luôn miệng nói có chuyện gì không ổn bên Nhật thì họ sẽ đứng ra giải quyết cho, nhưng thật ra khi đưa được người sang Nhật thì họ không còn có trách nhiệm gì nữa. Đành ngậm ngùi như kiểu cố đấm ăn xôi." Hoàn cảnh của Huy bây giờ như bị mắc kẹt ở xứ người với cái hợp đồng việc làm quá sức trong thời hạn 3 năm.
Cùng chung cảnh ngộ với Huy, anh Thuận (Thanh Hoá) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng vì hợp đồng đã kí. Anh kể: "Theo như trong hợp đồng thì công việc của tôi là đứng máy tiện tự động CNC, nhưng trong lúc làm việc lại không có một chiếc máy tự động nào mà phải làm hoàn toàn bằng tay. Nhiều đêm đi làm về, hai bàn tay của anh đỏ ửng và sưng lên. Không chỉ công việc sai ở trong hợp đồng, mà còn sai về số tiền khi tăng ca và lương. Trong khoảng thời gian làm việc, tôi đã không được nhận số tiền khi tăng ca mà chỉ nhận được số tiền lương cơ bản là 8 triệu đồng/tháng". Anh Huy kể tiếp.
Anh Thiệp, người cũng hứng chung số phận đó, anh chia sẻ: "Nghỉ 1 hôm sẽ bị trừ 2.500 tiền Đài tức là khoảng gần 2 triệu đồng tiền Việt". Công việc nơi xứ người không chỉ vất vả, mệt nhọc, đổ bao nhiêu mồ hôi công sức mà còn rất nguy hiểm để kiếm những đồng tiền.
Anh Quang (Nghệ An) làm nghề đốt rác, một công việc anh nhận sau khi trốn ra ngoài làm bất hợp pháp vẫn còn bàng hoàng khi kể lại: "Công việc độc hại, tiếp xúc với khí độc thường xuyên nhưng không được trang bị bất cứ đồ bảo hộ nào cả. Công việc vất vả làm từ 6h sáng đến tận 6, 7h tối, bắt buộc làm cả tuần và không có ngày nghỉ. Nhưng khi làm được 2 tháng thì có người báo cho công an đến, tôi phải bỏ của mà chạy lấy người lên rừng trốn để không bị bắt. Không những thế nơi tôi sống là trong chiếc container nhỏ lập mái, 4 người ở, cũng chỉ đủ để ngủ".
Được trở về có lẽ là niềm vui lớn nhất của Thuận
Tạ Đức Huy cũng không phải là ngoại lệ. Anh Đức Huy làm ở ngành xây dựng với công việc chuyên về sắt thép. Anh kể: "Cả ngày uốn bẻ thép rồi khuân vào xưởng, tôi lúc nào cũng đau toàn thân. Mấy ngày đầu học việc, tối về nhà mình thấy lưng khọm lại, vai buốt lên". Vừa nói, tay Huy vừa xoa bóp hai vai chừng như cũng đau và mỏi lắm.
Chúng tôi ngầm hiểu ra dường như ước mơ đổi đời làm anh lại càng mỏi mệt hơn: "Trong xưởng tôi làm, không ở đâu là không có bụi sắt. Những hạt bụi kim loại đen sì phủ đầy sàn, một số thì bay lửng lơ trên không trung tạo thành thứ không khí ô nhiễm lởn vởn quanh người. Dù đã đeo mấy lớp khẩu trang, bụi sắt vẫn bám kịt trong mũi và cổ họng Huy. Lần nào đi làm về anh cũng chỉ muốn lao ngay vào nhà tắm vì cả người bám đầy bụi sắt, nhất là mũi và họng khạc nhổ ra đen sì thứ kim loại óng ánh".
Chúng tôi tìm về con đường xứ Thanh để gặp gỡ anh Thiệp, người đã trở về sau 7 tháng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Anh Thiệp buông miếng gỗ đang cắt dở xuống, rồi kể: "Ngày ấy, sang Đài Loan tôi làm 2 tháng về ổ khóa, thì đột nhiên tôi bị điều sang bộ phận làm bình ác quy và chì. Tiếp xúc với axit nhiều, độc hại đến cơ thể tôi cũng lo lắng". Theo lời kể của anh thì làm được ba tháng thấy trong người mệt mỏi, đi kiểm tra sức khỏe vài lần, lần nào cũng huyết áp cao, những cơn mệt mỏi, sức khỏe yếu đi, chán ăn kèm theo đó là những biểu hiện như da tay bị khô bong tróc và bị vàng đi do tiếp xúc với axit khi làm chì... Anh chìa bàn tay ra và nói "tôi về được 7 tháng rồi mà da tay vẫn chưa hết vàng".
Với Lê Đức Huy thì: "Khu nhà ở của công nhân cách công ty khoảng 1 giờ đi ô tô. Kí túc xá nhỏ, 3 người ở cùng trong căn phòng khoảng 15m². Có nhà bếp riêng gồm 4 bếp nhưng số công nhân ở khoảng 20 người nên thường phải xếp hàng chờ nấu ăn. Điều khiến Huy khó chịu nhất là việc nước sinh hoạt bẩn vì là nguồn nước giếng khoan chứ không phải nước máy, nhưng công nhân vẫn phải đóng tiền nước. Đã nhiều lần họ khiếu nại lên công ty về điều kiện ăn ở sinh hoạt kém tại kí túc xá nhưng công ty mặc kệ không giải quyết".
Vì mục đích kiếm tiền nên Huy ăn tiêu tiết kiệm nhất có thể. Anh kể: "Lương 30 triệu/tháng, trừ phí thuế và bảo hiểm khoảng 5 triệu, tiền nhà và tiền điện nước khoảng 6 triệu, tiền ăn và chi phí khác 5 triệu. Công ty phát cho 1 năm 2 bộ quần áo lao động, nhưng ngành xây dựng thường quần áo rất nhanh cũ và hỏng nên anh lại phải tự bỏ tiền ra mua quần áo, giày lao động".
Những người dân Việt Nam sang bên Đài Loan làm không những phải đối mặt với những công việc vất vả và nguy hiểm mà còn bị bắt trả bao nhiêu loại hóa đơn, chi phí từ môi giới.
Cùng hoàn cảnh đó, anh Thiệp chia sẻ: "Tháng đầu tiên, vừa làm vừa tăng ca thì được hơn 18 triệu. Nhưng sang tháng thứ 2 nhiều chi phí phát sinh như chi phí môi giới hơn một triệu, tiền khám sức khỏe 6 triệu, tiền vay nặng lãi…".
"Ngày đi tôi vay 34 triệu ở công ty môi giới Việt Nam, họ cắt trực tiếp 2 triệu nên tôi chỉ còn 32 triệu. Mỗi tháng phải trả 5 triệu, phải trả cả lãi lẫn gốc trong vòng 10 tháng. Từ 34 triệu đến khi trả cả lãi lẫn gốc gần 60 triệu. Tính ra phải lãi 7 phẩy, 8 phẩy. Lãi suất vay tiền của công ty môi giới thật là kinh khủng, ngang với tín dụng đen. Nó chèn ép con người đến mức đáng sợ", anh Thiệp bức xúc kể lại.
Nếu ai đã từng sang nước ngoài hay có người thân đi xuất khẩu chắc cũng biết được, khi ốm đau bệnh tật vất vả đến thế nào. Không có hiệu thuốc hay các phòng khám tư như Việt Nam, dù có bị hắt hơi sổ mũi gì cũng phải vào bệnh viện. Lúc đó, một khoản chi phí khá lớn lại đội lên đầu. Trong hành trình gian nan, vất vả, khổ sở và nguy hiểm, những số phận đã thức tỉnh sau một "giấc mơ" dài. Có người kiên trì đến những ngày cuối cùng, nhưng cũng có những người gục ngã để rồi tự tìm cho mình một lối thoát sau cùng. Họ, kẻ bị bắt ngồi tù vài lần sau khi trốn ra làm bất hợp pháp, người hoảng hốt bỏ về. Vài người may mắn hơn trả đủ nợ.
Bình luận (0)