Sau khi thảm họa hôm 11-3 xảy ra, Toshiba cho biết họ đã phải đóng cửa khoảng 2 nhà máy sản xuất chip nhớ NAND và một nhà máy sản xuất cảm biến ảnh (cho camera). Ngay khi thông tin này được công bố, giá bán của bộ nhớ NAND 32 GB trên thị trường thế giới đã lập tức tăng 20% trong phiên giao dịch sáng 14-3.
Toshiba cho biết họ vẫn đang trong quá trình kiểm tra và đánh giá mức độ thiệt hại của các nhà máy này nên chưa thể có kế hoạch mở cửa trở lại. Thêm vào đó, nguy cơ sự cố của các nhà máy điện hạt nhân và tình trạng thiếu điện trầm trọng có thể sẽ khiến những nhà máy này “nằm chơi” lâu hơn nữa.
Với Toshiba, họ còn gặp khó khăn hơn nữa khi ông chủ tịch hãng Norio Sasaki đang bị thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan triệu tập để tham gia nhóm chuyên gia tìm kiếm giải pháp ngăn chặn tình trạng rò rỉ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Đầu máy DVD, Blu-ray, Máy chơi game PlayStation, laptop…
Sony, nhà xuất khẩu sản phẩm điện tử tiêu dùng lớn nhất của Nhật, cho biết họ đã phải đóng cửa 6 nhà máy hồi cuối tuần trước và đầu tuần này đã phải đóng cửa thêm 2 nhà máy nữa. Đáng chú ý là có 1 nhà máy trong số này đã bị sóng thần cuốn phăng trực tiếp.
Các nhà máy này làm nhiệm vụ sản xuất đĩa Blu-ray, đầu đọc từ tính, máy chơi game PlayStation 3 và pin lithium-ion. Sony là hãng cung cấp khoảng 10% tổng lượng pin dành cho laptop trên toàn thế giới.
Theo báo cáo sơ bộ, các nhà máy này sẽ phải đóng cửa thêm ít nhất là 2 tuần nữa.
Trong khi đó, hãng điện tử bán dẫn Texas Instruments cũng cho biết họ đã mất 2 nhà máy sản xuất wafer (bảng mạch để gắn linh kiện bán dẫn) và chip dùng cho máy chiếu. Phát biểu trước phóng viên của hãng tin Reuters, người phát ngôn của Texas Instruments cho biết các nhà máy này có thể sẽ phải đóng cửa đến tận tháng 7. Sự cố này sẽ khiến cho thị trường TV màn hình lớn và máy chiếu (projector) bị ảnh hưởng không ít.
Với thị trường TV Plasma, LCD, máy quay video và đầu đọc DVD, việc Hitachi buộc phải đóng cửa hoàn toàn 6 nhà máy của họ là một cú sốc lớn.
Bình luận (0)