Việt Nam chính thức bắt đầu thực hiện công tác quản lý hành chính đối với công dân trên nền tảng điện tử khi Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, sẽ thay phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân. Người dân cũng bắt đầu sử dụng hộ khẩu điện tử, hộ chiếu điện tử (HCĐT), căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử... Đây chính là nền tảng và điều kiện ắt có và đủ để tiến hành chuyển đổi số toàn diện trên quy mô quốc gia.
Rà soát, bỏ các thủ tục hành chính lạc hậu
Theo đó, công dân Việt Nam chỉ cần thẻ CCCD có gắn chip với số thẻ chính là số định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là có thể giao dịch, làm các thủ tục hành chính mà trước đây cần phải có sổ hộ khẩu và hàng loạt giấy tờ chứng thực. Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết công dân chỉ cần mang theo thẻ CCCD có gắn chip là có thể thực hiện 30 thủ tục hành chính liên quan trước đây cần có sổ hộ khẩu. Việc các cơ quan chức năng khai thác, tra cứu thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư cũng thay thế việc công dân phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như hiện nay. Đặc biệt, theo Bộ Công an, khi CSDL quốc gia về dân cư được kết nối thông suốt với các dữ liệu chuyên ngành khác, người dân có thể đăng ký cư trú online thông qua cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Nghị định số 37/2021/NĐ-CP cho phép người dân được khai thác thông tin cá nhân (các dữ liệu cơ bản) trong CSDL quốc gia về dân cư, công dân chỉ cần gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia hay Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Ngày 31-5, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng di động VssID để khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc từ ngày 1-6. Người bệnh có BHYT đến KCB được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Cơ sở KCB sử dụng đầu đọc để quét mã QR hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc). Ứng dụng BHXH số VssID của BHXH Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động hiện có trên kho ứng dụng Google Play (Android) và App Store (iOS).
Tất nhiên, điều mà người dân mong là không để xảy ra tình trạng "bình mới rượu cũ". Các cơ quan chức năng cần rà soát các thủ tục hành chính đã lạc hậu và bất cập, nhất là các hình thức giấy phép con để tháo gỡ các gánh nặng thủ tục cho cả người dân lẫn cơ quan có liên quan. Những lúng túng, trục trặc ban đầu là khó tránh nhưng các cơ quan chức năng cần xử lý càng nhanh càng tốt. Chẳng hạn, như luật định mới cho phép tiến hành một loạt thủ tục online về cư trú nhưng chức năng này vẫn chưa sẵn sàng trên các cổng dịch vụ công.
Người dân TP Hà Nội đi làm thẻ căn cước công dân. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Giảm thủ tục hành chính, chi phí
Đại diện Bộ Công an cho biết từ ngày 1-7, cùng với sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bắt đầu được thay thế bằng số định danh cá nhân, 2 dự án CSDL quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức vận hành, góp phần phục vụ quản lý dân cư theo cách thức mới. Phương thức quản lý cư trú mới bỏ một số thủ tục mang tính thủ công. Cụ thể, luật mới đã bỏ 6 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 12 thủ tục liên quan, tạo điều kiện tối đa cho người dân trong việc đăng ký cư trú.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết việc bỏ sổ hộ khẩu giấy cắt giảm đi rất nhiều chi phí (bản sao, công chứng nhiều giấy tờ) cho người dân khi chuyển sang sử dụng dữ liệu thẻ CCCD, mã số định danh cá nhân. Việc đi lại của người dân sẽ được giảm đi rất nhiều khâu trung gian, tiết kiệm thời gian. Theo tính toán sơ bộ, việc sử dụng CSDL dân cư sẽ đem lại lợi ích về kinh tế gần 5.000 tỉ đồng. Lợi ích của Luật Cư trú sửa đổi đem lại trước hết bảo đảm quyền bình đẳng của người dân các địa phương trong đăng ký cư trú. Luật cũng cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký cư trú ở nơi họ sinh sống hợp pháp.
"Công dân hoàn toàn yên tâm về bảo đảm chính xác, đồng nhất, bảo mật. Những lợi ích của Luật Cư trú sửa đổi, CSDL quốc gia về dân cư và căn cước mang lại rất lớn nhưng cần có thời gian để bộ, ngành, địa phương xây dựng CSDL đồng bộ. Lúc đó, chúng ta có nền tảng vững chắc để thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số" - Thiếu tướng Nguyên nói.
Áp dụng xuất nhập cảnh tự động cho du khách
Việt Nam chính thức phát hành HCĐT có gắn chip. Theo thống kê của Thales, từ năm 2005 tới nay, trên thế giới có hơn 150 nước đã phát hành HCĐT. Việt Nam là nước thứ 9/10 thuộc ASEAN phát hành HCĐT (trừ Myanmar). Việc cấp HCĐT giờ đây đã trở thành chính thức với Thông tư số 73/2021/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 29-6-2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14-8-2021 quy định chậm nhất đến ngày 1-1-2022 phải thực hiện thống nhất theo mẫu hộ chiếu mới. HCĐT hay hộ chiếu sinh trắc học theo đúng chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vừa có khả năng chống làm giả cao hơn vừa hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống xuất nhập cảnh thế giới. Chẳng hạn, du khách dễ dàng áp dụng phương thức xuất nhập cảnh tự động tại các cửa khẩu quốc tế.
Bình luận (0)