Theo nghiên cứu "Thực trạng tham gia của doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động (NLĐ) phục vụ công nghiệp 4.0 và hàm ý cho hợp tác công tư" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, gần một nửa số DN chưa có sự chuẩn bị về lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0 và 39,4% số DN mới dừng lại ở giai đoạn xây dựng kế hoạch. Chỉ có 6% DN có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 4.0 và đang triển khai có kết quả. Số liệu khảo sát cho thấy DN, đặc biệt nhóm DN nhỏ và vừa, đã chậm chân trong việc chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng đòi hỏi mới.
Nhận diện thách thức
Một thực tế rất đáng quan tâm là khoảng 80% DN cho biết đã biết đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoảng 50% mong muốn ứng dụng, nhưng thực tế, mới chỉ 20% DN đã sử dụng các thiết bị công nghệ 4.0. Từ đây, có thể thấy khoảng cách từ nhận thức về cách mạng 4.0 đến việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong các DN còn rất lớn.
Tại "Diễn đàn Đa phương 2021" với chủ đề "Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam" do VCCI phối hợp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Samsung Việt Nam tổ chức cách đây ít ngày, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận xét cách mạng 4.0 đang tạo ra sự gián đoạn kép đối với thị trường lao động và cơ cấu lao động, do đòi hỏi các yêu cầu cao về các kỹ năng mới. Dự báo khoảng 5-10 năm tới, có khoảng 50% máy móc thay thế con người vận hành sản xuất - kinh doanh và các quy trình quản trị, khiến khoảng 1 tỉ NLĐ trên toàn cầu bị thiếu các kỹ năng đáp ứng do chưa thể bắt kịp xu thế của công nghệ.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, thách thức của Việt Nam nằm ở chỗ đa số DN có quy mô vừa và nhỏ; nguồn lực, năng lực công nghệ hạn chế; chủ yếu sử dụng nguồn lao động thâm dụng giá rẻ. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư và môi trường kinh doanh nội địa không thôi thúc DN, nhân sự phát triển theo hướng quốc tế hoá; đưa hàm lượng số hóa vào sản phẩm xuất khẩu hay sử dụng ngôn ngữ toàn cầu.
TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Phát triển DN - VCCI, cho hay hiện nay, DN chủ yếu liên kết hoặc đặt hàng cơ sở đào tạo để đào tạo chính quy hoặc nâng cao năng lực cho NLĐ. Hầu hết DN chưa tham gia sâu hơn trong quá trình đào tạo, từ khâu tham gia xây dựng chương trình, cử cán bộ, chuyên gia tham gia giảng dạy đến đánh giá kết quả đầu ra.
Các doanh nghiệp đang cần nguồn nhân lực 4.0 đủ lớn cho giai đoạn phát triển “hậu Covid-19”. Ảnh: Tư liệu
Nhận diện nguyên nhân, TS Lương Minh Huân chỉ rõ yếu tố bên ngoài ngăn cản DN tham gia liên kết đào tạo là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích; thiếu cơ chế hợp tác lâu dài với các cơ sở đào tạo; sự chồng chéo của nhiều cơ quan quản lý hay thiếu sự tin tưởng vào năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Về nguyên nhân chủ quan, theo TS Lương Minh Huân, nhiều DN cho biết do công nghệ sản xuất của họ đơn giản nên chưa cần nâng cao trình độ kỹ năng lao động, còn nếu đầu tư để cải tiến công nghệ sản xuất thì DN sẽ phải đối mặt với thách thức liên quan đến chi phí đầu tư. Cùng với đó, việc thiếu chuyên gia, nhân lực có khả năng tham gia vào quá trình đào tạo hoặc thiếu máy móc, công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo là trở ngại của không ít DN.
Thay đổi nhận thức
Chính phủ đã có các chương trình thúc đẩy thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số. Nghị quyết 124 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng đã đề cập đến việc thực hiện đồng bộ cơ chế, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quy mô lực lượng lao động sẽ bị tác động bởi cách mạng 4.0 dự báo sẽ rất lớn, cần phải có chiến lược, chương trình đạo tạo phù hợp hơn. Theo đó, nhà nước cần đóng vai trò “nhạc trưởng”, tạo thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực 4.0 cũng như tổ chức đào tạo. Đồng thời, khuyến khích DN liên kết đào tạo với các đối tác bên cạnh phối hợp với hệ thống, tổ chức đào tạo của nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Văn Quang, thế giới đang phát triển, kết nối, khai thác các lợi ích của cách mạng 4.0 thông qua ứng dụng nền tảng số hoá, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để quay trở lại phục vụ cho tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, nguồn nhân lực 4.0 không bó hẹp trong ngành công nghệ thông tin mà nhân lực công nghệ thông tin phải cố gắng thâm nhập vào các lĩnh vực để góp phần tăng năng suất. "Bên cạnh việc thấu hiểu, trang bị kiến thức công nghệ thông tin và hiểu biết về 4.0, còn phải trang bị ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho NLĐ. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, gắn liền với số hóa nên bắt buộc coi là tiêu chuẩn với NLĐ. Bởi, khi tiếng Anh được phổ biến thì tư duy toàn cầu mới được phổ biến và mới có thể nhanh chóng tiếp cận công nghệ 4.0" - ông Quang gợi ý giải pháp.
Ở góc nhìn rộng hơn, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng việc xây dựng nguồn nhân lực 4.0 phải đi từ triết lý giáo dục, chính sách giáo dục từ cấp trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, tỉnh. Hiện, các sở - ngành phụ trách nguồn nhân lực ở địa phương còn có khoảng cách với trung ương trong các định hướng, chiến lược phát triển nhân lực 4.0. Do đó, đòi hỏi cấp bách là các sở - ngành phải đổi mới tư duy về toàn cầu hoá, số hóa và ngoại ngữ. "Các lãnh đạo địa phương cấp tỉnh, huyện phải quan tâm đến số hoá. Làm sao để thu hút đội ngũ du học sinh về làm việc tại các cơ quan chính quyền, sở - ngành, góp phần thúc đẩy, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực 4.0 cho các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương" - ông Quang đặt vấn đề.
Đào tạo kỹ năng số cho nhóm NLĐ dễ bị tổn thương
Tại "Diễn đàn Đa phương 2021", các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần chuyển đổi hệ thống giáo dục và đào tạo theo xu thế cách mạng 4.0 cả về phương pháp đào tạo, năng lực đào tạo, lĩnh vực đào tạo… để giải quyết điểm nghẽn về kỹ năng đổi mới, sáng tạo của lực lượng lao động trong nền kinh tế số. Đặc biệt, đào tạo kỹ năng số cần hướng tới cả các nhóm NLĐ dễ bị tổn thương để giúp họ đáp ứng được các công việc cụ thể trong tương lai.
Theo đại diện Samsung Việt Nam, trong bối cảnh cách mạng 4.0, NLĐ Việt Nam cần phải nhận thức được việc tự nâng cao năng lực, tự học hỏi để vươn lên, chủ động nắm bắt kỹ năng công nghệ mới nhằm đáp ứng được yêu cầu của các công việc mới.
Bình luận (0)