Ông Vũ Duy Thức - tiến sĩ người Việt ở Silicon Valley (Mỹ), nhà sáng lập tổ chức giáo dục, đào tạo trí tuệ nhân tạo VietAI - nêu số liệu Việt Nam hiện có 400.000 kỹ sư nhưng chỉ 10% trong đó có nhu cầu học về trí tuệ nhân tạo (AI) và 1% có điều kiện học. Đây là con số quá ít trong bối cảnh AI đã trở thành xu hướng không thể khác. "Dân công nghệ thế giới truyền nhau câu nói "Software ate the world, now AI is eating Software". Tạm dịch là trước đây, phần mềm "ăn" cả thế giới nhưng bây giờ, AI "ăn" cả phần mềm" - ông Thức ví von.
Gấp rút đào tạo lại
Theo ông Vũ Duy Thức, cuộc đua AI trên toàn cầu đang xoay quanh 3 trục chính là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Trong đó, Trung Quốc đứng thứ 2 và theo sát nút quốc gia số 1 về đổi mới sáng tạo là Mỹ. Do đó, nếu Việt Nam không có chiến lược tự chủ nguồn nhân lực 4.0 để ứng dụng AI vào các lĩnh vực của nền kinh tế giống như cách Trung Quốc đang làm, chúng ta có khả năng sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ của nước láng giềng.
Ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập TOPCV (công ty công nghệ cung cấp nền tảng kết nối cơ hội việc làm), chỉ rõ mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm rất lớn nhưng số có năng lực thực sự và phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp (DN) lại rất ít.
"Trong quá trình hỗ trợ nhiều DN tuyển dụng, đặc biệt là DN công nghệ, chúng tôi nhận thấy hoạt động đào tạo trong trường đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Chiến lược sắp tới trong đào tạo nguồn nhân lực là phải đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo mới nhân sự trẻ, nhất là thế hệ "gen Z". Trong đó, phải xác định thang đánh giá về nhân lực để đào tạo đúng hướng. Các DN lớn như FPT, Viettel, VNPT có thể cùng nhau xây dựng khung năng lực tương ứng với mức lương để đào tạo đồng bộ" - ông Hiếu góp ý.
Các doanh nghiệp đang cần nguồn nhân lực 4.0 đủ lớn cho giai đoạn phát triển “hậu Covid-19”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Học viện FPT Software, DN hiện vất vả nhất trong khâu đào tạo để người lao động có thể làm việc được ở DN. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm, Học viện FPT Software phải nhận đào tạo 3.000-4.000 học viên trong nhiều tháng liên tục mới có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc tại các dự án.
"Để thích ứng được với thời đại công nghệ 4.0, sinh viên, người lao động cần khả năng tự học thông qua đọc hiểu đa ngôn ngữ, đây là điểm hạn chế rất lớn của lao động người Việt. Đồng thời, cần có kỹ năng tốt trong việc tìm kiếm - học tập trên mạng, tự kết nối và nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề" - ông Hoàng góp ý.
Nhà nước và tư nhân cùng đào tạo
Nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực 4.0, mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố hoạt động "Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp" (USAID-WISE). Chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ các mô hình đào tạo mang tính định hướng thị trường và phát triển bền vững, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dẫn báo cáo xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế. Tuy nằm trong tốp 50 quốc gia và nền kinh tế dẫn đầu về đổi mới sáng tạo song hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã bước qua giai đoạn phát triển về số lượng và đang bước vào giai đoạn phát triển trọng yếu với đòi hỏi đầu tư theo chiều sâu. "Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực được xem là nền tảng quan trọng" - Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Ông Trần Duy Đông cũng chỉ rõ nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Do đó, USAID-WISE được triển khai với mục tiêu đào tạo kỹ năng số cơ bản cho sinh viên và người mới gia nhập thị trường lao động, xây dựng một thị trường năng động, chất lượng về đào tạo nâng cao và đào tạo lại kỹ năng số…
Theo ông Phan Vinh Quang, Giám đốc dự án USAID-WISE, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại song song 2 khu vực kinh tế là "kinh tế truyền thống" cạnh tranh bằng chi phí thấp và "kinh tế mới" cạnh tranh dựa vào công nghệ số. Sự hòa quyện giữa 2 khu vực kinh tế để tận dụng được lợi thế của nhau là cần thiết. Trong đó, nguồn nhân lực 4.0 đáp ứng nhu cầu thị trường chính là mắt xích kết nối quan trọng nhất giữa 2 khu vực kinh tế này.
"Xu thế của thế giới hiện nay không chỉ dừng ở đào tạo lại đối với sinh viên mới ra trường, lao động phổ thông bị mất việc làm và đào tạo nâng cao với đối tượng đang làm việc mà còn hướng tới đào tạo suốt đời theo sự thay đổi của công nghệ. Đào tạo nhân lực 4.0 tại Việt Nam cũng cần theo định hướng này. Trong đó, các tổ chức, cơ sở đào tạo tư nhân với ưu thế chương trình, nội dung đào tạo thay đổi nhanh, đa dạng theo nhu cầu thị trường chính là nhân tố mới trong chiến lược hình thành thị trường đào tạo nguồn nhân lực" - ông Quang nhìn nhận.
Trên cơ sở đó, USAID-WISE đã đưa ra một chương trình đào tạo liên kết với tổng kinh phí 2 triệu USD trong giai đoạn 2021-2023. Dự án tập trung vào các chương trình đào tạo mang tính thị trường. DN hoặc tổ chức nào cung cấp khóa học tốt sẽ được lựa chọn trở thành đối tác của USAID-WISE và được giải ngân để triển khai khóa học. USAID-WISE sẽ có các chỉ số đo lường kết quả hoạt động và cân nhắc tiếp tục mở rộng chương trình nếu như khóa học hiệu quả.
Đào tạo theo nhu cầu riêng
Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc Tổ chức Đào tạo trực tuyến FUNIX (thuộc FPT), cho biết xuất phát từ thực tế trên thị trường, FUNIX đã có ý tưởng tổ chức, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo chuyên biệt cho từng DN cụ thể thay vì chương trình chung cho tất cả DN. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi DN. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, người học cần mạnh dạn từ bỏ cách học thụ động, tăng cường tiếp xúc với nguồn học liệu trên internet... "Chúng tôi hướng học viên đến việc đặt câu hỏi, giáo viên chỉ giải đáp, phải hỏi càng nhiều càng tốt, không hỏi đủ số lượng câu hỏi thì không tốt nghiệp được" - ông Cương nói.
Bình luận (0)