Trong bất kỳ khâu vận hành nào của doanh nghiệp (DN) khi chuyển đổi số (CĐS), dữ liệu luôn là yếu tố sống còn. Tuy nhiên, nếu không biết cách khai thác đúng, DN có thể tốn kém chi phí rất nhiều cho việc thu thập, lưu trữ dữ liệu nhưng vẫn không đem lại hiệu quả. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình CĐS cũng như sự phát triển của DN sau này.
Sớm nhận thức chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, các DN công nghệ lại là những đơn vị phải hết sức cẩn trọng khi triển khai CĐS vì thực tế nếu không chuyển đổi hoặc chuyển đổi sai, họ có thể phá sản. Vì vậy, họ đã sớm nhận thức sự tất yếu của CĐS và nhanh chóng triển khai các dự án của mình.
Thực tế, Công ty Gojek Việt Nam, đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Gojek, đang phải chịu áp lực CĐS. Vừa đổi tên từ GoViet thành Gojek cho đúng chuẩn thống nhất của công ty, ứng dụng này đang phục vụ 25 triệu người dùng và hơn 2 triệu đối tác tài xế, 500.000 đối tác nhà hàng và hơn 60.000 nhà cung cấp dịch vụ. Với mô hình hoạt động dùng công nghệ kết nối, phục vụ người dùng, đối tác trong hệ sinh thái của mình, Gojek nắm dữ liệu hành vi và giao dịch khổng lồ trên nhiều điểm tiếp xúc tương tác với khách hàng.
Ngay từ khi thành lập đội ngũ phát triển sản phẩm Tanca.io - giải khuyến khích Nhân tài Đất Việt 2019, ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Ứng dụng Di động Xanh (GMA), đã đặc biệt chú trọng CĐS. Ông Quân cho biết: "Chúng tôi tận dụng hầu hết công cụ quản lý miễn phí giai đoạn đầu như Trello, Telegram, Google Analytics… cho tất cả các bộ phận, thử nghiệm khắt khe những sản phẩm "của nhà trồng được" từ chấm công, tính lương, tuyển dụng nhân viên, giao việc cho nhân viên hay phê duyệt các giấy tờ trong DN". Ngay cả những DN công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay như Viettel, MobiFone, VNPT, FPT… cũng đã tiến hành CĐS từ rất sớm. Chẳng hạn, trước tình hình ảnh hưởng của Covid-19, Viettel - nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam - đã nhanh chóng triển khai phương thức bán hàng, chăm sóc khách hàng và các hoạt động trong sản xuất kinh doanh trên nền tảng số nhằm bảo đảm giữ vững mục tiêu kinh doanh năm 2020. Họ đã tiến hành gia tăng trải nghiệm khách hàng thông qua các kênh tương tác số, đưa hệ thống trợ lý ảo Callbot và Chatbot vào các hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng. Đến thời điểm này, họ đã chuyển dịch gần 100% lưu lượng, 90% người dùng từ kênh hỗ trợ truyền thống sang các kênh do trợ lý ảo thực hiện…
Ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, chia sẻ: "Chúng tôi xác định trước khi muốn đóng vai trò dẫn dắt trong CĐS thì bản thân DN công nghệ phải CĐS thành công".
Ông Trần Viết Quân (đứng) trao đổi với nhân viên về các giải pháp triển khai cho khách hàng
Xác định mục đích sử dụng dữ liệu
Tại hội thảo trực tuyến về CĐS "Sự trỗi dậy mạnh mẽ" vừa diễn ra ngày 10-9, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Gojek Việt Nam, đưa ra cảnh báo: "Khi lượng dữ liệu tăng lên, các tổ chức rất dễ rơi vào cái bẫy là cố gắng đầu tư vào nhiều cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hơn để tạo ra số lượng ngày càng tăng các dashboards (tạm dịch: bảng báo cáo) và các màn hình theo dõi dữ liệu. Dữ liệu sẽ không có ý nghĩa gì trừ khi được kết nối với kết quả kinh doanh thực sự. Chuyển đổi kỹ thuật số là một cách để nắm bắt dữ liệu và biến dữ liệu thành giá trị hữu hình".
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Đức cho biết Gojek tránh bẫy nêu trên bằng cách tập trung vào các vấn đề kinh doanh, chứ không tập trung vào sản phẩm hoặc dự án. Gojek sử dụng quy trình đổi mới "ngược", bắt đầu với các vấn đề kinh doanh và sau đó thiết lập chiến lược sản phẩm, công nghệ, dữ liệu, thiết kế và kinh doanh xung quanh việc giải quyết vấn đề đó. Chẳng hạn, thuật toán của ứng dụng Gojek đưa những tài xế đến với những hành khách đang có nhu cầu di chuyển hoặc sắp xếp tài xế vào những khung giờ cao điểm có nhu cầu đi lại cao của hành khách tạo tiện lợi cho người dùng, không chờ lâu và tạo cơ hội kiếm tiền cho đối tác tài xế. Hoặc dùng thuật toán để lọc những trường hợp có tần suất lặp lại nhằm tạo những hướng giải quyết chung, giảm bớt áp lực cho các nhân viên tập trung cho những trường hợp cần giải quyết chuyên sâu, có giao tiếp trực tiếp giữa người và người…
Theo các chuyên gia CĐS của FPT, để sử dụng dữ liệu hiệu quả khi CĐS, trước tiên, DN phải xác định mục đích sử dụng dữ liệu. Mục đích sử dụng dữ liệu có thể nằm trong phạm vi tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh hay kiến tạo những giá trị mới. Tiếp theo, họ phải xác định những phân tích cần có để đạt được mục đích đó. Sử dụng dữ liệu để quản lý giá tối ưu thì cần có những phân tích như: phản hồi của người tiêu dùng về giá, so sánh giá với đối thủ cạnh tranh, so sánh giá nguyên vật liệu của nhà cung ứng, so sánh giá cước của các đơn vị vận chuyển, giá hoa hồng tối ưu cho nhà phân phối… DN phải xác định những dữ liệu cần cho những phân tích trên, như: phân tích phản hồi của người tiêu dùng về giá thì cần có thống kê tần suất phản hồi của khách hàng về giá thông qua các kênh email, cuộc gọi, tại cửa hàng, tin nhắn… Sau cùng là lựa chọn cách thức cần thực hiện để có thể thu thập được những dữ liệu trên. Đây chính là lúc công nghệ như AI, Big Data, IoT… hỗ trợ đắc lực.
Bình luận (0)