Công cuộc chuyển đổi số (CĐS) sẽ hình thành phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số (CNS) khiến mọi công việc diễn ra theo cách hiện nay sẽ thay đổi, các công việc thủ công, văn phòng, vệ sinh môi trường... sẽ được số hóa hoàn toàn và ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động (NLĐ), thay đổi hình thái lao động.
Tạo nhiều việc làm mới
Nhận thức rõ những khiếm khuyết của nền kinh tế tuyến tính (dựa vào khai thác tài nguyên để tạo ra sản phẩm rồi thải chất thải ra môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, năng suất lao động thấp, gây ô nhiễm môi trường...), nhiều quốc gia đã chuyển sang phát triển kinh tế tuần hoàn. Đó là nền kinh tế ứng dụng công nghệ cao để khai thác tối đa các tài nguyên trong quá trình sản xuất, tái chế, tái sử dụng để tạo ra giá trị gia tăng và giảm thiểu chất thải ra môi trường. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo thống kê của Ủy ban châu Âu, mỗi năm, kinh tế tuần hoàn tạo ra 580.000 việc làm mới. Quá trình CĐS cũng tạo ra hàng loạt việc làm mới mà trước kia không hề có. Cụ thể:
Lao động CNS: Là những người được đào tạo chuyên sâu về CNS như công nghệ internet của vạn vật (IoT), tổ chức dữ liệu lớn (Big data), đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), thiết kế hệ thống số... Đây là lực lượng lao động được dự đoán thiếu hụt nhiều nhất so với yêu cầu của thế giới trong khoảng 5-10 năm tới. Sức mạnh số của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng này.
Lao động dựa trên ứng dụng CNS: Đây là lực lượng đông đảo, làm việc ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và chính họ phải biết ứng dụng các công cụ, phương tiện được tạo ra bởi CNS vào công việc hằng ngày của mình theo đúng quy trình. Hiện ở Việt Nam cũng đã có một số ngành đạt tới trình độ kinh tế số như: hàng không, ngân hàng hay dịch vụ gọi xe công nghệ... giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động và đem lại tiện ích cho người dùng.
Lao động khai thác lợi thế từ CNS: CNS tạo ra nhiều cơ hội mới cho ai biết cách khai thác để tạo ra công việc mang nguồn lợi cho họ. Cụ thể như: hiện có nhiều người khai thác hạ tầng internet, mạng xã hội, biết tận dụng thế mạnh bản thân (nấu ăn ngon, sửa điện, nước, trồng rau sạch hay tạo ảnh hưởng cá nhân...) để thu lợi ích. Nếu những cái "biết" đó được giới thiệu lên internet một cách trung thực và có thể kiểm chứng thì chắc chắn có người quan tâm, đặt mua hay thuê và uy tín, doanh thu sẽ tăng theo thời gian, năng lực phục vụ.
Người dùng có thể dùng vân tay thay cho nhập mật khẩu thủ công để giao dịch tại một số cây ATMẢnh: Linh Anh
Con người là trung tâm
Về bản chất, những cái "biết" đó là tài nguyên của xã hội. Trong kỷ nguyên số, mọi dạng tài nguyên đều có thể chia sẻ. Ví dụ tài nguyên về nhà ở là cái gốc cho cộng đồng Airbnb tổ chức các dịch vụ lưu trú, vận chuyển... CNS có thể thúc đẩy những cái "biết" lan rộng và khai thác từ nó. Rõ ràng cả xã hội đang thay đổi theo hướng sống, làm việc, giao tiếp, mua sắm, giải trí nhờ CNS.
Như các chuyên gia trước nay vẫn nhấn mạnh CĐS là một bước tất yếu trong thời đại số được kết nối. Nó sẽ chuyển đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, trong đó có lao động. Cả NLĐ và người sử dụng lao động cũng phải được chuyển đổi theo để có thể thích nghi tốt nhất có thể được. Ở đây có một mối quan hệ tương hỗ (qua lại). Doanh nghiệp (DN) phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được CĐS. Và NLĐ cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi. DN CĐS không chỉ đem lại lợi ích cho họ mà còn phải làm cho NLĐ có thể làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Và NLĐ CĐS sẽ giúp cho DN vận hành tốt hơn. Vậy là các bên đều có lợi. Nếu làm rõ được điều này, công cuộc CĐS sẽ dễ dàng và diễn ra suôn sẻ hơn vì ai cũng nhìn thấy những lợi ích mà mình có được từ CĐS. Các nhà quản lý xã hội, các cơ quan chức năng khi tiến hành CĐS phải nhìn thấy được vai trò của con người cụ thể trong đó. Nếu không, việc CĐS chỉ như những ngôi nhà trống. Về phần mình, NLĐ cũng phải tự trang bị khả năng làm việc trong môi trường đã được CĐS. Thật ra, chuyện này không nghiệt ngã như khi tiến hành cơ giới hóa hay tự động hóa trước đây. Nó chỉ yêu cầu NLĐ có ý thức thích nghi, đặc biệt là khi CĐS lấy con người làm trung tâm.
Với lao động CNS, các nhà quản lý, hoạch định chính sách nên đặt ra mục tiêu cho các học sinh trung học, sinh viên và những người mới ra trường định hướng và phấn đấu. Nếu được đào tạo bài bản về CNS, lực lượng này sẽ có việc làm ổn định với thu nhập cao trong vòng vài chục năm tới và có thể tìm kiếm việc làm không chỉ ở Việt Nam vì ở đâu cũng thiếu nguồn nhân lực quan trọng này, đặc biệt là lao động AI.
Không thể thiếu sự tham gia của người dân
Mỗi lĩnh vực, ngành nghề và địa phương đều có những mục tiêu thực hiện CĐS cụ thể của mình nhưng tất cả đều phải gắn chung vào một nền tảng, một hệ sinh thái.
Tuy nhiên, có một nhân tố quyết định cho sự thành bại của CĐS chính là người sử dụng và thụ hưởng nó. Nói cách nào đó là "người dùng cuối". Cụ thể ở đây là người dân. Rõ ràng là nếu không được quan tâm "CĐS" theo cùng, người dân giống như những hành khách bị "con tàu CĐS" bỏ lại tại các sân ga. Thậm chí ngay cả những hành khách đã đặt được chân lên "con tàu" này nếu không được chuẩn bị, hướng dẫn thì cũng chẳng biết phải làm gì hoặc không thể khai thác tối ưu các lợi ích. Ở đây, công cuộc CĐS toàn dân có 2 vấn đề phải tiến hành song hành và đồng bộ với các tiến trình. Thứ nhất, mọi thành phần CĐS đều phải vừa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của người dân vừa thân thiện giúp họ dễ tiếp cận và sử dụng. Thứ hai, tiến hành các hoạt động truyền thông giúp người dân có thể nắm bắt tốt nhất các thành phần của CĐS để họ có thể sử dụng.
Trong tiến trình CĐS, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank cho tài khoản cá nhân hợp nhất các dịch vụ ngân hàng số riêng rẽ (như ứng dụng di động, giao diện web) thành một giao diện thống nhất. Đồng thời, ngân hàng này cũng tăng cường tích hợp thêm nhiều dịch vụ, loại hình thanh toán cho ngân hàng số. Người dùng có thể sử dụng VCB Digibank để thực hiện đa dạng dịch vụ thanh toán, tài chính từ xa qua máy tính (trang web) hay thiết bị di động (ứng dụng). Chẳng hạn, có thể thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông (di động và cố định); nạp tiền ví điện tử, chuyển khoản... thật tiện dụng và an toàn. Tuy nhiên, nếu không được truyền thông rộng rãi và hướng dẫn cụ thể, người dân chẳng thể biết hay không thể sử dụng được các dịch vụ mà ngân hàng số cung cấp. Các dịch vụ hành chính công từ các cổng thông tin điện tử địa phương tới Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng chẳng thể phát huy tác dụng khi người dân không thể sử dụng chúng.
Có thể nói, trong thực tế phải giãn cách, hạn chế giao tiếp trực tiếp vì đại dịch Covid-19, người dân cần tìm đến các dịch vụ trực tuyến. Đây chính là cơ hội vàng để thúc đẩy nhà chức trách tăng tốc triển khai CĐS và truyền thông cho người dân khai thác các ứng dụng, dịch vụ số online.
Phạm Hồng Phước
Bình luận (0)