Những con số này là những minh chứng cụ thể nhất cho thấy Tập đoàn VNPT đã và đang thực hiện sứ mệnh của mình là đồng hành cùng ngành giáo dục Việt Nam trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền giáo dục số.
Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" được tổ chức sáng 9-12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đã nêu rõ vai trò của chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Với quy mô hơn 53 ngàn cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh - sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành đã xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Đặc biệt, chuyển đổi số thành công không chỉ tốt cho ngành giáo dục mà còn góp phần triển khai thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ với ngành mà còn tác động lớn với đất nước cả trước mắt và lâu dài. "Với vai trò là một Tập đoàn công nghệ, chúng tôi sẽ thực thi chiến lược và có những hành động cụ thể để góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, VNPT xác định một trong các sứ mệnh của mình là tham gia chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, chung sức kiến tạo một nền giáo dục số tại Việt Nam", ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Thực tế, ngay từ rất sớm, Tập đoàn VNPT đã nghiên cứu, xây dựng Hệ sinh thái giáo dục thông minh phong phú, giúp cho các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh những phần mềm, công cụ rất hiện đại và hiệu quả phục vụ công tác dạy và học. Giải pháp của VNPT đã mang lại cho các học sinh ở vùng sâu, vùng xa cơ hội tiếp cận với công nghệ và phương pháp học tập tiên tiến, cùng kho tàng trí thức mà những phương pháp truyền thống khó thực thiện được.
Đối với chương trình đào tào và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của ngành giáo dục (ETEP), VNPT sẵn sàng tham gia với sản phẩm VNPT E-Learning. Giải pháp LMS của VNPT đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo hiệu năng, an toàn, bảo mật, các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nghiệp vụ đặt ra. Hơn nữa, VNPT không chỉ cung cấp một sản phẩm mà là một hệ sinh thái đầy đủ, nên ngay khi người dùng tham gia vào hệ thống Elearning, kết quả được đồng bộ tự động về hệ thống quản lý nhà trường và liên thông với cơ sở dữ liệu của Bộ theo một chu trình khép kín. Tất cả hoạt động đồng bộ đó của VNPT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ngành giáo dục, ngành thông tin truyền thông, góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tiến đến nền giáo dục số mang tính dân tộc, tiến bộ và hiện đại.
Trước đó, VNPT đã cùng ngành Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đưa ra các giải pháp cấp thiết, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống dịch theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, ngày 2-2-2020, VNPT đã tiên phong miễn phí hệ thống VNPT E-Learning cho tất cả trường học trên toàn quốc, đến hơn 21.000 trường học, 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh và với hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra. Nhờ đó, việc dạy học không bị gián đoạn, tiết kiệm nhiều chi phí ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo chương trình giáo dục diễn ra như bình thường.
Để chuyển đổi số thành công ngành giáo dục, với kinh nghiệm triển khai của VNPT trong thời gian qua, Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Đức Long cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục - đào tạo là hết sức quan trọng. Chìa khóa bảo đảm xây dựng thành công cơ sở dữ liệu ngành và khai thác hiệu quả dữ liệu này đó là phải xây dựng được cơ chế mở để bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, vừa cho phép các doanh nghiệp công nghệ phân tích, khai thác dữ liệu này để nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ ngành giáo dục. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung cơ sở dữ liệu thành phần như cơ sở dữ liệu tài chính, giáo dục thể chất… để tạo bức tranh toàn diện về cơ sở dữ liệu chuyển đổi số ngành giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn và Chủ tịch HĐTV VNPT ký kết biên bản ghi nhớ về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Trong khuôn khổ hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo", Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn VNPT đã ký biên bản ghi nhớ về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Theo đó, hai bên hợp tác triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo góp phần thực hiện thành công Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hợp tác phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số giáo dục và đào tạo phù hợp với các quy trình nghiệp vụ dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học của ngành giáo dục và đào tạo; đáp ứng các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu và về kết nối, giúp các hệ sinh thái kết nối, liên thông, trao đổi dữ liệu với hệ sinh thái của ngành giáo dục và đào tạo (trọng tâm gồm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, kho học liệu số toàn ngành).
Bên cạnh đó, hai bên hợp tác trong đánh giá, công bố các nền tảng chuyển đổi số giáo dục và đào tạo đáp ứng các quy định của ngành giáo dục và đào tạo; Triển khai hệ sinh thái chuyển đối số trong giáo dục theo định hướng của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, phù hợp với các quy định của ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu ứng dụng, sử dụng của học sinh sinh viên, giảng viên giáo viên cán bộ quản lý và các cơ sở giáo dục đào tạo.
Với việc ký kết biên bản ghi nhớ này, Tập đoàn VNPT cam kết trong những năm tới sẽ phát triển các giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo với những công nghệ hiện đại hơn nữa, và những xu hướng giáo dục tiên tiến trên thế giới như Adaptive Learning, Flip Learning, Blended Learning... nhằm giải quyết các bài toán thực tiễn. Từ đó giúp cho việc quản lý, giảng dạy và học tập tại Việt Nam ngang tầm đẳng cấp các nước tiên tiến trên thế giới.
Bình luận (0)