Sáng 22-7, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị công bố chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng.
Hướng đến sự thịnh vượng, văn minh
Công bố chương trình chuyển đổi số tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Với một TP lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM không nằm ngoài xu hướng ấy. Chương trình chuyển đổi số của TP được xây dựng dựa trên chương trình chuyển đổi số quốc gia, đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh và kiến trúc chính quyền điện tử TP.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (giữa) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (trái) cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị
"TP đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số" - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tỉ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Kinh tế số chiếm 25% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh… Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%... Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay TP sẽ đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và DN TP.
Về phía các DN công nghệ, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Phạm Văn Khoa cho rằng TP HCM đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm với chương trình chuyển đổi số để có thể tạo ra sức bật tăng mức cạnh tranh trong nước và cả khu vực. Theo ông Phạm Văn Khoa, kho dữ liệu dùng chung là gốc rễ của mọi vấn đề chuyển đổi số. Do đó, ông mong muốn TP tạo điều kiện tốt nhất cho DN tham gia vào hệ thống dữ liệu của chính quyền để có thể phát huy được hiệu quả cao nhất.
Phát huy trí tuệ con người
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định ngay sau khi Chính phủ ban hành chương trình này, TP HCM đã hưởng ứng mạnh mẽ và đi đầu. "Cái mới luôn cần người đi đầu khởi xướng. TP HCM thành công sẽ kéo theo cả nước thành công" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Ông cho hay Bộ TT-TT sẽ là đầu mối một cửa cho các DN công nghệ thông tin (CNTT) tham gia chương trình chuyển đổi số; đồng thời cam kết đồng hành, hỗ trợ TP HCM về nguồn lực, thí điểm về chính sách trong mục tiêu chuyển đổi. "Chuyển đổi số liên quan nhiều đến công tác quản trị, điều hành, vì vậy để thành công cần thay đổi về cơ chế tiếp nhận cái mới, chuyển đổi mô hình mới" - Bộ trưởng Bộ TT-TT nhận định.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói TP luôn ý thức trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến đời sống kinh tế - xã hội thì chuyển đổi số là cơ hội, đặt ra yêu cầu TP phải nỗ lực nhiều hơn, để chuyển đổi số thành nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép. Do đó, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đưa chương trình chuyển đổi số vào thực tiễn. Cụ thể, TP số hóa và tích hợp nhiều dữ liệu để người dân và DN sử dụng, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp toàn TP; đẩy mạnh tích hợp kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. TP cũng sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực trọng tâm như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng... "Cùng với đó là phát triển thương mại điện tử, sáng tạo khởi nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, nhất là DN CNTT, truyền thông trong việc tiên phong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực để tiến tới làm chủ công nghệ; tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông CNTT, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, IoT chuỗi khối làm tiền đề phát triển chính quyền số và kinh tế số" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay TP HCM là địa phương đầu tiên làm đề án đô thị thông minh, cũng là địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số. "Điều này phản ánh nỗ lực của TP là chọn con đường phát triển nhanh hơn bằng việc phát huy trí tuệ con người, sức mạnh của CNTT" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Theo ông, dân số TP mỗi ngày một tăng, công chức phải phục vụ khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần bình quân của cả nước. Sắp tới, muốn phục vụ tốt hơn thì chỉ có con đường ứng dụng CNTT, các giải pháp thông minh trên nền tảng số hóa để tăng năng suất làm việc. Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng cần có trung tâm giới thiệu các giải pháp thông minh của các DN trên tất cả các lĩnh vực để TP và các địa phương dùng thử.
Sẽ tăng chi ngân sách cho ngành CNTT
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, sáng tạo về ứng dụng CNTT là câu chuyện mang tính toàn cầu, dám ứng dụng hay không là vấn đề của lãnh đạo địa phương. Cuộc cách mạng công nghệ phá hủy những cái đã cũ, ứng dụng, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới. Ông cho biết tại hầu hết quốc gia, mức độ chi ngân sách cho ngành CNTT trung bình là 1%, Hàn Quốc là nước dẫn đầu về chính quyền số khi chi ngân sách 2%. Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng TP HCM cần chú trọng đầu tư nhiều hơn, bởi hiện nay ngân sách chi hằng năm chỉ 0,4%.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới TP sẽ cần tính toán để tăng chi ngân sách cho lĩnh vực CNTT.
Bình luận (0)