Thiết bị bay không người lái (drone) giúp ngành nông nghiệp số hóa một cách hiệu quả, giải được bài toán thiếu lao động ở nông thôn.
Năng suất gấp 50 lao động chân tay
Là doanh nghiệp (DN) sở hữu số lượng drone lớn với 133 chiếc, Tập đoàn Lộc Trời đã ứng dụng thiết bị này không chỉ trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật mà còn mở rộng thành công sang khâu sạ giống, phun phân bón cho lúa. Ứng dụng drone vào canh tác đã góp phần đưa Tập đoàn Lộc Trời trở thành DN đầu tiên trên thế giới đạt thành tích 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP (bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững). Không dừng lại ở đó, DN này còn ứng dụng drone trong chăm sóc các loại cây trồng khác như cây ăn quả, cây công nghiệp và rau màu.
Drone đã được sử dụng khá nhiều trong nông nghiệp
Trình diễn drone thu hút bà con nông dân. Ảnh: Việt Phương
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An với 800 ha ruộng lúa cũng tự trang bị drone để phục vụ nhiều khâu sản xuất. Theo Tổng Giám đốc Phạm Thái Bình, trước đây, mỗi năm công ty phải chi khoảng 1 tỉ đồng trả cho nhân công thực hiện việc phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Nay chi phí này giảm rất nhiều nhờ drone vận hành tốt, thời gian phun ngắn, hiệu quả cao. Phun bằng máy bay không người lái còn giúp năng suất tăng thêm khoảng 30% nhờ vào cây lúa được tiếp cận phân, thuốc đồng đều hơn.
Không riêng DN, nhiều nông dân, chủ trang trại cũng bắt đầu tiếp cận drone để phục vụ canh tác, chăm sóc cây trồng. Ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ trang trại Thiên Nông (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) với 21 ha cao su, cho hay đã thử nghiệm dịch vụ drone phun thuốc trị bệnh cho lá cao su ở trên 50% diện tích trồng. "Máy bay phun từ trên cao xuống chỉ mất 3 giờ cho 11 ha, tổng chi phí là 6 triệu đồng. Trước đây, khi cây cao su bị bệnh, chủ vườn thường "bó tay" bởi cây rất cao, khó xử lý, đồng nghĩa với lượng mủ cao su thu hoạch được sẽ giảm sút. Một số vườn áp dụng giải pháp tình thế là cho nhân công điều khiển máy cày và phun thuốc bằng vòi dài nhưng chỉ xịt được một phần, lại rất ảnh hưởng sức khỏe công nhân, chưa kể chi phí cao. Với giải pháp drone, hiệu quả cao hơn hẳn và chi phí thấp" - ông Hoàng nhận xét và cho biết sẽ tiếp tục sử dụng thiết bị này.
Ông Phạm Văn Minh, nông dân trồng lúa chuyên nghiệp tại thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), bắt đầu sử dụng drone từ năm 2019 và khuyên nhiều người cùng sử dụng. Ông Minh tính toán thuê dịch vụ drone phun thuốc có chi phí ngang với phun thủ công, khoảng 250.000 đồng/ha. Tuy nhiên, sử dụng drone hiệu quả hơn bởi thuốc được phun đều, không bị sót hay chồng lấn, lúa không giẫm đạp. "Vấn đề hiện nay là các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ mới thực hiện trên những vùng canh tác quy mô lớn từ 5 ha trở lên trong khi phần lớn nông dân Việt Nam canh tác trên diện tích dưới 1 ha nên không phải ai cũng tiếp cận được" - ông Minh nêu.
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc (TP Hà Nội) đánh giá sử dụng drone giúp tăng hiệu suất làm việc gấp 50 lần so với lao động chân tay. Trong đó, riêng hiệu quả phun thuốc trừ sâu cao gấp 10 lần; đồng thời tiết kiệm nước, thuốc bảo vệ thực vật đến 90%.
Nhiều dư địa cho thiết bị Việt
Ông Lương Việt Quốc, một tiến sĩ học và định cư tại Mỹ đang đầu tư vào lĩnh vực drone, cho hay mảng drone phục vụ nông nghiệp ở thị trường Việt Nam được định giá khoảng 500 triệu USD. "Nhờ drone mà nền nông nghiệp bước sang giai đoạn nông nghiệp thông minh. Hai khả năng chính của thiết bị này là bay khảo sát để "khám bệnh" và "chữa bệnh" bằng việc phun thuốc cho cây trồng. Hiện nay, lao động trong lĩnh vực này rất hiếm, drone giải quyết bài toán thiếu lao động, giúp tiết kiệm chi phí thuốc, nước. Trong tương lai, khi drone được ứng dụng rộng rãi, các mảnh ruộng sẽ có "hồ sơ số" ghi lại lịch sử canh tác, giúp hỗ trợ cho sản xuất rất lớn" - ông Quốc kỳ vọng.
Hiện trên thế giới, drone phục vụ nông nghiệp có xuất xứ Trung Quốc chiếm thị phần 70% và giá đang giảm dần. Cách đây 3 năm, các mẫu drone của Trung Quốc có giá bán khoảng 250 triệu đồng/chiếc, giảm xuống còn 170-180 triệu đồng/chiếc vào một năm sau và hiện chỉ còn khoảng 140 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, chỉ có 2-3 thương hiệu uy tín của Trung Quốc cung cấp thiết bị này trên thị trường nhưng giá còn cao, còn lại đa phần là sản phẩm không tên tuổi, khó kiểm soát chất lượng. Thị trường cũng xuất hiện một số đơn vị giới thiệu, chào bán drone từ Mỹ, Nhật, châu Âu với giá cao hơn hàng Trung Quốc khá nhiều, song không phải người dùng nào cũng có đủ kinh nghiệm và kiến thức để kiểm chứng.
Sự sôi động của thị trường drone đã thu hút một số nhà khoa học và DN khởi nghiệp (start-up) tham gia. Tiêu biểu trong cộng đồng khởi nghiệp là giải pháp drone của Mismart đã giành giải đồng hạng xuất sắc cuộc thi "Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP HCM" năm 2020. Mismart làm chủ được công nghệ sản xuất với tỉ lệ nội địa hóa 70%, giá bán khoảng 150-250 triệu đồng/chiếc - bằng một nửa so với hàng nhập khẩu của Mỹ, châu Âu, Nhật.
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc cùng Viện Lúa ĐBSCL hồi tháng 3 vừa qua cũng đưa drone có tên HLD18 do viện này chế tạo vào trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa trước hàng trăm nông dân tại tỉnh Hậu Giang. Thiết bị HLD18 được nhiều nhà nông chú ý bởi có thể áp dụng khả thi trên cánh đồng lớn, nhất là tại các HTX làm dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương trong vùng ĐBSCL. Mức giá của thiết bị này là 300 triệu đồng/chiếc.
TS Vũ Ngọc Ánh, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hàng không - ĐH Bách khoa TP HCM, đã cùng với các cộng sự chế tạo, sản xuất thành công drone và đưa vào ứng dụng trong nông nghiệp rất hiệu quả. Thiết bị có giá khoảng 200 triệu đồng và được bảo hành 1 năm. "Thiết bị được sản xuất trong nước có lợi thế phụ tùng có sẵn nên dễ dàng sửa chữa, bảo hành. Thiết bị trong nước cũng phù hợp với đặc điểm canh tác, cây trồng, có thể điều chỉnh chế độ bay, chế độ phun xịt cho từng loại cây trồng, từng vùng miền khác nhau để đạt được hiệu quả cao" - TS Vũ Ngọc Ánh chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, để drone có thể cạnh tranh trên thị trường, giá bán chỉ là một phần. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng, độ bền, khâu vận hành thuận tiện. Khi kết hợp được cả ưu điểm về giá cả lẫn chất lượng thì cơ hội drone Việt chiếm lĩnh thị trường là rất lớn.
Lo ngại an toàn thông tin
Theo ông Lương Việt Quốc, khi phần lớn drone trên thị trường hiện nay là hàng nhập khẩu thì nguy cơ mất an toàn thông tin khá lớn. Ông Quốc phân tích: Khi khởi động thiết bị, các dữ liệu như bay ở đâu, lúc nào, phun thuốc gì… sẽ gửi về máy chủ ở nước sản xuất. Khi diện tích sử dụng drone mở rộng trên quy mô lớn, từ dữ liệu này, nơi sở hữu máy chủ có thể nắm được sản lượng, tình hình dịch bệnh và có thể thao túng thị trường nông sản Việt Nam. Từ đó, ông Quốc đề xuất cần có quy định cụ thể để ngăn chặn drone nhập khẩu gửi dữ liệu về máy chủ ở nước ngoài.
Đào tạo nhân lực cho ngành drone
Học viện Drone do Trường ĐH Bách khoa TP HCM và Công ty AgriDrone đồng sáng lập vừa chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ tổ chức các khóa đào tạo và nghiên cứu ứng dụng drone và cấp chứng chỉ vận hành thiết bị bay theo tiêu chuẩn quốc tế UTC. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng thiết bị bay không người lái cho mục đích dân sự, chế tạo thiết bị bay không người lái.
Đặc biệt, đây là học viện đầu tiên ở Việt Nam đào tạo kỹ sư chế tạo thiết bị bay không người lái, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về giải pháp drone tại Việt Nam.
Hiện nay, drone trở nên phổ biến và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, công nghiệp, điện gió, năng lượng mặt trời... để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực drone là khá lớn. Trước mắt, cần đội ngũ nhân lực khoảng 1.000 người trong ngành nông nghiệp, 100 người ngành công nghiệp và 10.000 người trong khu vực giải trí - truyền thông. Do đó, Trường ĐH Bách khoa TP HCM với Học viện Drone được kỳ vọng là nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực drone cho cả nước.
N.Hải
Bình luận (0)