Công nghệ tính tiền không quầy thu ngân nhộn nhịp tại Mỹ và một số nước phát triển từ năm 2019. Ngay lập tức, cuối năm 2020, người tiêu dùng Việt Nam đã được trải nghiệm dịch vụ này.
Hút khách thích công nghệ
11 giờ 30 phút trưa thứ tư tuần rồi, chị Thanh Thư thong thả vào siêu thị Finefile tại tầng trệt cao ốc văn phòng 131 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM) chọn 1 vỉ nho xanh, 1 lốc sữa chua nước và 1 ổ bánh mì đen rồi đi thẳng ra quầy thanh toán tự động. Tại đây, chị lần lượt scan mã vạch từng món hàng, mở điện thoại ra thanh toán qua ứng dụng MoMo để hoàn tất quy trình mua sắm tự phục vụ 100% của mình. Chị chỉ mất 15 phút từ khi bước vào mua sắm đến lúc rời khỏi siêu thị. "Cách đây 2 năm, tôi đã trải nghiệm kiểu mua sắm tự phục vụ này khi đi du lịch ở Nhật và rất thích. Từ ngày siêu thị Finelife ngay cạnh nơi tôi làm cũng có quầy thanh toán tự động, tôi thường xuyên rủ đồng nghiệp ghé mua hàng" - chị Thanh Thư nói.
Khách hàng thanh toán tự động tại siêu thị Finelife Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP HCM) .Ảnh: TẤN THẠNH
Finelife Điện Biên Phủ là một trong số ít siêu thị cao cấp thuộc một nhà bán lẻ trong nước vừa triển khai dịch vụ thanh toán tự động từ tháng 2-2021. Ông Ngô Triều Dương, Giám đốc Siêu thị cao cấp Finelife, cho biết hiện tại, do khách hàng đang trong giai đoạn làm quen với dịch vụ mới, không ít khách trải nghiệm lần đầu nên khi cần, sẽ có nhân viên thu ngân tại các két tính tiền gần đó hỗ trợ. Dự kiến, trong tháng 5 này, Finelife Điện Biên Phủ sẽ thay thế toàn bộ két tính tiền có nhân viên phục vụ bằng két tính tiền tự động. Ngoài ra, siêu thị sẽ liên kết với các ngân hàng, ứng dụng thanh toán triển khai thêm các chương trình khuyến mãi riêng cho khách hàng thanh toán tự động.
Theo ông Dương, dịch vụ này "đánh" vào giới trẻ, làm việc trong các cao ốc văn phòng, đồng thời giải quyết quá tải trong những lúc cao điểm mua sắm bởi trung bình, khách chỉ mất 15-20 phút để hoàn tất quy trình mua sắm. Mặt khác, thanh toán tự động còn thúc đẩy giao dịch không tiền mặt vì chỉ tiếp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử. "Đối tượng khách hàng trẻ, thích công nghệ hầu như rất hào hứng với dịch vụ này. Công ty sẽ ưu tiên phát triển dịch vụ ở những địa bàn tập trung dân số trẻ, ưa thích công nghệ như các khu căn hộ, khu dân cư cao cấp" - ông Dương cho hay.
Nhiều hệ thống siêu thị chưa thể triển khai thanh toán tự động cũng đẩy nhanh thanh toán bán tự động để rút ngắn thời gian làm thủ tục cho khách. Năm ngoái, một số siêu thị Aeon đã triển khai quầy thanh toán nhanh song song với quầy thanh toán thông thường. Tại đây, nhân viên thu ngân scan mã hàng, khách tự thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử rồi tự đóng gói hàng đem về. Theo Aeon Việt Nam, khá nhiều khách hàng hài lòng với hình thức này vì đỡ mất công xếp hàng, chủ động hơn trong quá trình mua sắm.
Đẩy nhanh số hóa
Không đợi đến bây giờ, các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã đổ vốn đầu tư số hóa từ 3-4 năm trước và coi số hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ở góc độ tương tác với khách hàng, số hóa thể hiện ở những thay đổi trong ứng dụng, dịch vụ mà khách hàng nhìn thấy được. Hiện, gần như 100% siêu thị, cửa hàng đang chấp nhận, khuyến khích thanh toán không tiền mặt, bán hàng qua app, website thương mại điện tử… Một số siêu thị cũng đã áp dụng bảng giá điện tử thay cho bảng giá bằng giấy trên các kệ hàng nhằm cập nhật giá kịp thời, chính xác đến 100%, xóa tình trạng bảng giá niêm yết không kịp điều chỉnh theo bảng giá kinh doanh trên hệ thống. "Việc áp dụng số hóa giúp cải thiện nhiều về mặt hiệu quả lao động, quy trình công việc, hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản trị, giúp bán hàng nhanh chóng, chính xác… Vấn đề là làm sao thu hút khách hàng trải nghiệm, sử dụng những tiện ích do số hóa mang lại?" - ông Ngô Triều Dương nhìn nhận.
Đại diện Aeon Việt Nam cho hay nhà bán lẻ này đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi số, tự động hóa trong cả khâu vận hành và kinh doanh như đa dạng hình thức bán hàng (trên ứng dụng Aeon/GrabMart, mua sắm qua điện thoại, đi chợ hộ), phát triển trang thương mại điện tử Aeon Eshop. Kế hoạch chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa cũng sẽ được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2022.
Menu (thực đơn) điện tử cho mùa dịch
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm phát sinh nhu cầu về các dịch vụ bán hàng hạn chế giao tiếp trực tiếp giữa người với người. Gần 1 năm nay, khu vực ẩm thực tự chọn Delica của một số siêu thị Aeon có dịch vụ chọn món tự động. Khách hàng chỉ cần chạm vào màn hình, thực hiện vài thao tác đơn giản là chọn xong món, thanh toán bằng ví điện tử hay thẻ ngân hàng, rồi mang hóa đơn và phiếu đến quầy nhận món.
Nắm bắt cơ hội từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số công ty công nghệ cũng đã thiết kế các giải pháp, ứng dụng trong kinh doanh bán lẻ giúp hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp và được thị trường đón nhận. Ông Vũ Thanh Hùng, đồng sáng lập - Tổng Giám đốc Công ty IPOS (chuyên cung cấp giải pháp hoàn chỉnh cho nhà hàng, quán trà sữa, cà phê), nhìn nhận giải pháp "menu điện tử" của công ty đang được triển khai tại 150 nhà hàng, quán ăn và nhận phản hồi tích cực từ người dùng. Với giải pháp này, khách hàng có thể lướt menu trên máy tính bảng, quét mã QR trên bàn ăn, vào website chọn món... Đây là hình thức phổ biến tại các nước phát triển và có thể sẽ phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới bởi dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Bình luận (0)