Sáng 18-6, tại cuộc họp trực tuyến công bố, phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức và kết nối với điểm cầu TP HCM, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm lưu ý doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phát huy lợi thế am hiểu thị trường nội địa, nhu cầu khách hàng, am hiểu văn hóa bản địa và chủ động sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp theo nhu cầu.
Doanh nghiệp cũng cần tích cực khai thác, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số mới nhằm làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giải quyết "bài toán Việt Nam", đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới nổi như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật), đi từ ứng dụng đến làm chủ công nghệ lõi và tiến tới đóng góp công nghệ cho thế giới.
Theo Ban tổ chức, giải thưởng năm nay gồm 5 hạng mục: Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số; Sản phẩm số tiềm năng.
Đối tượng tham gia giải thưởng là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam.
Các sản phẩm được tôn vinh phải thỏa mãn hai nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế.
Thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia từ ngày 20-6 đến hết ngày 20-9, nhiều hơn 1 tháng so với giải thưởng này năm ngoái.
Từ 20-6 đến 20-7, doanh nghiệp có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của Cơ quan thường trực Giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo quy chế. Doanh nghiệp có thể gửi gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử giải thưởng: makeinvietnam.mic.gov.vn và makeinvietnam.vcci.com.vn.
Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 12-2021.
Sàn thương mại điện tử Voso là một sản phẩm công nghệ số make in Vietnam
Tại giải thưởng năm ngoái, phần lớn các sản phẩm đoạt giải đều được nhiều khách hàng biết đến, được đánh giá cao và có cơ hội hợp tác đầu tư mới.
Chẳng hạn, giải pháp tự động hóa quy trình doanh nghiệp Akabot của FPT có tốc độ tăng trưởng tới 300%/năm, doanh thu và lượng khách hàng tăng gấp đôi. Hệ sinh thái giáo dục thông minh VNPT Edu trở thành từ khóa tốp 1 về học trực tuyến, tốp 2 về trending với hơn 8,5 triệu lượt tải ứng dụng.
Trợ lý bác sĩ DrAid của VinBrain đã được triển khai tại nhiều bệnh viện của các thành phố lớn. Sản phẩm này cũng đã hỗ trợ rất hiệu quả cho tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trong việc phòng chống Covid-19.
Hay, sàn thương mại điện tử Voso đã tích cực hỗ trợ cho hơn 3.000 hộ nông dân đưa sản phẩm lên sàn, tăng 586% so với cùng kỳ năm 2020.
Bình luận (0)