Thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số (CNS) Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, đưa công nghệ Việt vươn ra toàn cầu là vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN CNS 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chủ trì tổ chức ngày 8-12. Tại diễn đàn, cộng đồng DN CNS đã hiến kế, đưa ra nhiều kiến nghị để thực hiện các mục tiêu này.
Thay đổi cách làm, cách nghĩ
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định ngành công nghiệp công nghệ thông tin hiện đã có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với quy mô của ngành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh còn nhiều dư địa cho Việt Nam đến từ trong nước và nước ngoài, nên DN cần tự tin vươn ra thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe giới thiệu giải pháp công nghệ của doanh nghiệp tại diễn đàn.Ảnh: ĐÌNH NAM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu các bài toán cụ thể mà thị trường đang có nhu cầu như: giao thông thông minh, công nghệ tự động đo lưu lượng giao thông để điều chỉnh tín hiệu, du lịch qua điện thoại di động, số hóa các di sản... cần các DN trong nước giải quyết. Theo lãnh đạo Chính phủ, thị trường trong nước 100 triệu dân vẫn còn rộng và thị trường nước ngoài là vô tận nên cần thay đổi cách làm, cách nghĩ. "Với thị trường trong nước phải đặt ra các bài toán cụ thể và làm đến cùng, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết thị trường chuyển đổi số của Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng, cần phát triển công nghệ để giải quyết. Là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, VNPT đưa ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chuyển đổi số quốc gia, tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, công chức - viên chức, các hệ thống nền tảng về nông nghiệp và phát triển nông thôn... Về kinh tế số, VNPT tập trung vào y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, kinh tế số thế giới có quy mô lớn nhưng mới chỉ ở mức tiềm năng và đây là cơ hội cho các DN CNS Việt Nam. Ông Chính dẫn số liệu phân tích 12 nền kinh tế được chọn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, cho thấy các quốc gia này mới chỉ khai thác thành công 30% tiềm năng của nền kinh tế số vào năm 2021.
Hoàn thiện quá trình sản xuất
Hiện Việt Nam có 70.000 DN CNS đã đăng ký thành lập và hoạt động, so với năm 2021 đã tăng 6.000 DN. Doanh thu toàn ngành CNS trong nước đạt 148 tỉ USD. Tại diễn đàn năm nay, các DN đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách để các DN CNS nâng cao năng lực, phát triển mạnh mẽ ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Ông Lê Minh Hà, Giám đốc Giải pháp quốc tế Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel, cho rằng Chính phủ cần có chính sách để tạo dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghệ cao, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Bộ TT-TT cần tăng cường các chương trình xúc tiến, hợp tác quốc tế để các DN có cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Trung Chính đánh giá Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghệ, là quốc gia trẻ, có năng lực công nghệ, nền giáo dục công nghệ tốt, Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Chính cho rằng cần đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số. Do đó, cần có chính sách ưu đãi cao nhất đối với các DN đầu tư trong lĩnh vực này như đất đai, thuế, vốn, thủ tục nhanh. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước, có thể theo hình thức đặt hàng sử dụng. Theo lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC, việc phát triển nguồn nhân lực số cũng cần có chính sách khuyến khích đẩy mạnh đào tạo, xây dựng đại học số để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về hướng nâng cao giá trị toàn cầu cho DN công nghệ, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp điện tử, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bà Hương cho rằng DN Việt phải hoàn thiện trong quá trình sản xuất. "Để cạnh tranh với các đơn vị khác, DN Việt Nam phải thường xuyên cập nhật, tối ưu hóa, cải tiến. Năm 2016, Việt Nam không có đơn vị nào là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung thì đến nay có hơn 200 nhà cung ứng, trong đó có 50 đơn vị là nhà cung ứng cấp 1. Tuy nhiên, sự hỗ trợ các DN vẫn còn hạn chế, cơ quan quản lý cần tạo cơ hội cho các công ty phát triển" - bà Hương đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, cho rằng Việt Nam cần có một cộng đồng các DN công nghệ. Để làm được điều này, ông Khoa đề xuất Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho DN, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số "Make in Vietnam" cho từng ngành, từng lĩnh vực. Theo ông Khoa, giai đoạn tới, cần thúc đẩy ngoại giao, đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia và tập trung phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNS để đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Trước các kiến nghị của DN, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho biết bộ sẽ thực hiện vai trò kết nối cung cầu, kết nối trong và ngoài nước, trong nước với trong nước. Theo thứ trưởng, để kết nối thành công cần 2 yếu tố là thị trường và nguồn nhân lực. Lãnh đạo Bộ TT-TT cho rằng cần lấy thị trường trong nước làm bàn đạp để đi ra nước ngoài. Ông Long cũng khẳng định sẽ xem xét thay đổi thể chế phù hợp, giúp DN số phát triển, kết hợp với các bộ, ngành liên quan để phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Cần liên kết giữa các DN công nghệ số
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi ra nước ngoài, DN CNS Việt Nam hiện còn phát triển đơn lẻ. Do đó, để thực hiện mục tiêu phát triển, vươn ra thế giới, các DN này kết nối với nhau thành một đội ngũ, trong đó những DN phát triển lâu năm sẽ là nòng cốt dẫn dắt, kết hợp với các DN CNS mới. Phó Thủ tướng cũng lưu ý không thể bỏ qua thị trường trong nước, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tham gia vào thị trường Việt Nam.
Bình luận (0)