TS Phạm Thanh Long, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết bên cạnh việc hoàn thiện các mô hình dự báo, cảnh báo mưa và ngập theo mô hình toán về thủy văn, thủy lực kết hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), nhóm nghiên cứu đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo ngập bằng camera giám sát cùng bộ phần mềm quản lý ngập, thông tin ngập bằng WebGIS và ứng dụng trên thiết bị di động.
Thông tin cảnh báo ngập được hiển thị trên app di động. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
TS Phạm Thanh Long và các cộng sự đã đưa ra dự báo, cảnh báo ngập trên các tuyến đường thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi ngập trên địa bàn TP HCM và thí điểm ở vùng Đông của thành phố (nay là TP Thủ Đức); xây dựng công cụ trực quan (hình ảnh camera, bản đồ 2D/3D, các phần mềm trên điện thoại, WebGIS) quản lý và cảnh báo ngập nhằm kết nối chung cho mô hình đô thị thông minh mà thành phố đang xây dựng.
Các thông tin dự báo mưa, ngập hay thông tin khác về thời tiết đều được hiển thị trực quan trên bản đồ WebGIS tại địa chỉ http://chongngaphcm.info.
Kết quả nghiên cứu này là nền tảng để thu thập dữ liệu số, bảo đảm dữ liệu được lưu trữ một cách có hệ thống, từ đó dễ dàng tổng hợp, trích xuất phục vụ cho công tác báo cáo, phân tích, quản lý tình hình ngập. Nền tảng này cũng là cơ sở giúp Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP HCM đưa ra chiến lược, chính sách để xử lý vấn đề ngập của thành phố hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bình luận (0)