TS Lê Ngọc Thanh, Viện Địa lý tài nguyên TP HCM - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, vừa có khuyến cáo như vậy.
Khuyến cáo này nằm trong đề tài "Nghiên cứu cấu trúc nền đất ba chiều (3D) đến độ sâu 50 m khu vực nội thành TP HCM và hiện trạng hoạt động đứt gãy sông Sài Gòn làm cơ sở cho việc đánh giá rung chấn và quản lý xây dựng" do TS Lê Ngọc Thanh và nhóm cộng sự thực hiện (hội đồng nghiệm thu do Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM thành lập).
TS Lê Ngọc Thanh trình bày mô hình phân lớp địa chất khu vực TP HCM (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành việc xây dựng mô hình cấu trúc nền đất 3D (độ sâu hơn 50 m) ở khu vực TP HCM, khảo sát sự đứt gãy của đới sông Sài Gòn, phân tích các ảnh hưởng đến sự rung lắc về địa chất. Nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện các bản đồ nền dạng số hóa hệ tọa độ VN2000, tỉ lệ 1/50.000 phục vụ việc xây dựng và thể hiện cấu trúc nền đất.
Theo TS Lê Ngọc Thanh, khu vực nhóm thực hiện nghiên cứu khảo sát là các quận 1, 2, 3, 4 và Bình Thạnh. Kết quả khảo sát cho thấy tuy nằm trong vùng chuyển tiếp của địa chất nhưng địa hình TP HCM tương đối bình ổn, có dạng bậc theo xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây.
Có hai con sông lớn chảy qua địa phận TP HCM là sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng), chảy qua rìa đông, đông nam TP; sông Sài Gòn bắt nguồn từ Campuchia, chảy cắt ngang qua TP. Sông Đồng Nai hợp lưu với sông Sài Gòn tại khu vực Nhà Bè, chảy ra biển Đông theo hai ngã chính là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Toàn bộ mạng lưới sông rạch trên địa bàn TP đều chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều.
Vị trí các điểm khoan địa chất công trình của nhóm nghiên cứu (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
TS Lê Ngọc Thanh cho biết có hai yếu tố kích thích gây rung chấn ở TP HCM là động đất và rung động nhân tạo. Hai nhân tố này đóng vai trò vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là yếu tố kích hoạt rung chấn xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn TP HCM, hoạt động động đất không cao, vì thế rung động nhân tạo là nhân tố cần lưu ý.
Nhóm nghiên cứu đề xuất TP HCM cần áp dụng các biện pháp kháng chấn theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9386:2012 cho các nền đất đã xác định trong công trình "Phân vùng nhỏ động đất TP HCM", áp dụng Tiêu chuẩn TCXD 229:1999 khi xây dựng các công trình có kết cấu và nền đất, để giảm thiểu khuếch đại cường độ rung động do hiện tượng cộng hưởng.
Để phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do rung chấn, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị TP HCM sớm tiến hành rà soát các biện pháp kháng chấn và tiêu chuẩn xây dựng của các công trình xây dựng quan trọng trong khu vực nội thành, kiểm tra các thiết bị thi công phù hợp với nền đất tương ứng. Đặc biệt, cần có giải pháp quản lý thiết bị thi công công trình xây dựng gây rung động có công suất lớn như các máy khoan ép, cọc nhồi... (tùy theo nền đất mà cấp phép vận hành với công suất phù hợp).
Hiện nay, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở TP HCM ngày càng gia tăng, kéo theo nhu cầu xây dựng nhà cửa, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình ngầm, metro, đường giao thông. Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu của TS Lê Ngọc Thanh mở ra hướng nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu cấu trúc nền đất 3 chiều của một khu vực để phục vụ quản lý xây dựng, qua đó giúp xác định tổng quan về đặc điểm cấu trúc địa chất nền, giúp dự báo, đánh giá các hiện tượng rung chấn xảy ra trên địa bàn TP.
Bình luận (0)