Hệ thống được vận hành bởi ZTE và China Telecom, lần đầu được ứng dụng để chẩn đoán cho các bệnh nhân nghi nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc vào cuối tháng 1. Trong hệ thống này, Bệnh viện Tây Trung Quốc sẽ là điểm nút trung tâm, sau đó kết nối với các bệnh viện địa phương cũng như bệnh nhân để thực hiện việc thăm khám từ xa thay vì phải đến tận nơi.
Để hệ thống y tế từ xa này hoạt động hoàn hảo nhất, ZTE đã tối ưu các điểm thu phát sóng 5G ngoài trời, đồng thời lắp đặt các điểm kết nối 5G ngay trong nhà, thậm chí đến cả phòng hội thảo của bệnh viện. Nhờ đó kết nối giữa các bệnh viện và bệnh nhân sẽ được thông suốt ở mức tối đa, giảm độ trễ, để các chuyên gia y tế có thể thực hiện được công việc của mình một cách tốt nhất. Theo Prnewswire, việc triển khai này bắt đầu được thực hiện từ ngày 25, tối ưu trong ngày 26 và bắt đầu ca chẩn đoán đầu tiên vào ngày 27-1.
ZTE triển khai hệ thống telehealh phục vụ việc chẩn đoán viêm phổi do virus nCoV từ xa. Ảnh: 5gradar
Nhờ mạng 5G, bệnh nhân và bác sĩ có thể trao đổi trực tiếp với nhau hình ảnh chất lượng cao với độ trễ thấp. Bệnh nhân có thể tiếp cận với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến đầu mà không cần đến tận nơi, nhờ đó giảm thiểu thời gian di chuyển, đồng thời hạn chế hậu quả của việc tiếp xúc trực tiếp.
Ngoài ra, nhờ băng thông cao, mạng 5G cho phép thực hiện nhiều kết nối cùng lúc. Hệ thống của ZTE và China Telecom nói trên cho phép 25.000 người kết nối với nhau trong cùng một thời gian.
Ý tưởng về việc thăm khám bệnh, chăm sóc y tế từ xa (telehealth) không mới, tuy nhiên đây là một ngành có những tiêu chuẩn riêng, khó đáp ứng. Theo Business Insider, lĩnh vực này yêu cầu những tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt, đồng thời các nhà cung cấp còn phải đảm bảo khả năng triển khai nhanh để có thể đáp ứng được các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như trong đại dịch viêm phổi cấp do virus corona hiện nay.
Bình luận (0)