Sau 2 tháng áp dụng mở tài khoản từ xa cho khách hàng qua giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC), tỉ lệ khách hàng đăng ký tài khoản mới tại một số ngân hàng (NH) đã tăng mạnh, góp phần chuyển đổi thói quen người dùng từ giao dịch trực tiếp tại NH sang giao dịch trực tuyến.
Vài phút có ngay tài khoản online
Sau tháng đầu tiên triển khai giải pháp công nghệ eKYC, NH TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết đã có gần 30.000 lượt khách hàng đăng ký mới, tương đương 85% tổng lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank.
Tỉ lệ khách hàng mới đăng ký tài khoản đến tháng 8 tại NH Bản Việt đã tăng gần gấp 3 lần so với hồi đầu năm nay. Tỉ trọng khách hàng sử dụng các dịch vụ, thanh toán qua NH điện tử/ví chiếm 50%, chuyển tiền chiếm 40% và gửi tiết kiệm chiếm 10% và cả 3 mảng này đều tăng trưởng mạnh kể từ khi ứng dụng eKYC đến nay. Theo ghi nhận, lượng khách hàng đăng ký trực tuyến và sử dụng app HDBank giao dịch thanh toán tăng trưởng vượt bậc thời gian qua, góp phần tăng doanh thu cho NH. App HDBank có 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến. Thống kê cho thấy 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng NH số HDBank thường xuyên, nâng tỉ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC. Công nghệ giao dịch trực tuyến giúp NH xác thực định danh khách hàng, kiểm tra giấy tờ liên quan như CMND ở mức chính xác như hình thức gặp mặt trực tiếp. "Số lượng đăng ký mở tài khoản tại TPBank qua phương thức eKYC cho thấy khách hàng hưởng ứng tích cực với công nghệ mới. Đây cũng là tín hiệu tốt trong chiến lược đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào các dịch vụ NH nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi" - ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, nhìn nhận.
Với eKYC, các quy trình được tự động hóa để tài khoản của khách hàng có thể sử dụng mà không cần đến sự tham gia của nhân sự phía ngân hàng
Cũng theo ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân HDBank, eKYC giúp NH tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành (đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực); NH tiếp cận khách hàng nhanh, chủ động hơn ngay cả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…; các quy trình được tự động hóa để tài khoản của khách hàng có thể sử dụng mà không cần đến sự tham gia của nhân sự phía NH; giảm tải công việc liên quan đến giấy tờ, tăng năng suất làm việc lên gấp nhiều lần. "eKYC giúp hạn chế rủi ro, gian lận mà giao dịch viên khó phát hiện như làm giả CMND, lừa đảo, rửa tiền…" - ông Trần Quốc Anh nói.
Tăng hiệu quả khai thác nguồn khách hàng
Không chỉ NH thương mại mà các ví điện tử cũng ứng dụng eKYC trong xác thực tài khoản, xác thực thông tin người dùng. Đại diện Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (ví điện tử Payoo) cho hay thời gian qua, Payoo đã thực hiện eKYC bằng việc yêu cầu khách hàng cung cấp CMND/thẻ căn cước công dân để đối chiếu. Ví này cũng đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác thực thông tin người dùng thay cho đội ngũ nhân sự. Hệ thống AI sẽ xác định tính hợp lệ của giấy tờ tùy thân người dùng, kiểm tra thông tin bị trùng lắp với các đối tượng khác trên hệ thống… giúp việc eKYC được triển khai nhanh, giảm sai sót chủ quan do con người, chi phí nhân sự. Trước đây, việc định danh người dùng theo cách thủ công có thể mất đến 24 giờ thì nay sẽ được xử lý tức thời" - đại diện Payoo đánh giá.
Một xu hướng nổi bật trên thị trường tài chính NH thời gian qua là sự hợp tác mạnh mẽ của các công ty tài chính công nghệ (fintech) với NH thương mại, ví điện tử. NH số Timo Plus vừa ra mắt và công bố đối tác chiến lược mới trong thời gian tới là NH Bản Việt. Chỉ 2 tháng qua, Timo Plus đã ghi nhận khoảng 100.000 lượt giao dịch mở tài khoản (khách hàng mở mới và người dùng chuyển đổi từ app Timo trước đây sang). Trong kế hoạch phát triển sắp tới, NH Bản Việt sẽ cung cấp nền tảng và dịch vụ NH cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực fintech. "Chúng tôi cũng đẩy nhanh việc mở rộng mối quan hệ hợp tác với các công ty fintech để cho người dùng trải nghiệm các dịch vụ mới dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và nền tảng của NH truyền thống" - ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc NH Bản Việt, thông tin. HDBank cho biết đã hợp tác với đối tác uy tín cung cấp giải pháp này, với công nghệ bảo đảm được các tình huống rủi ro có thể phát sinh, hệ thống dữ liệu khách hàng lớn để kiểm tra thông tin. Thực tế, nguồn khách hàng trong hệ sinh thái như chuỗi Vietjet, HDBank, HDSaison… rất lớn, lên đến con số hàng chục triệu. Do đó, chất lượng dữ liệu tốt sẽ hỗ trợ eKYC đạt hiệu quả cao.
Với vai trò là cánh tay nối dài của NH, Payoo hiện kết nối hơn 40 NH và các ví điện tử như Grab by Moca, ZaloPay, VinID, ViettelPay, Airpay, SmartPay, TrueMoney… để cung cấp cổng và giải pháp thanh toán đa kênh, đa phương thức giúp người dùng có thể sử dụng mọi nguồn tiền để giao dịch. "Với công nghệ AI nền tảng được tích hợp trong eKYC (OCR - nhận dạng ký tự quang học và định danh bằng FaceID, Face search - tìm kiếm khuôn mặt...) giúp chúng tôi trở thành cánh tay đắc lực của NH thông qua triển khai eKYC cho đối tác dưới dạng cung cấp giải pháp công nghệ từng phần hoặc trọn gói" - đại diện Payoo chia sẻ.
Vì sao eKYC chưa áp dụng vào cho vay?
Các NH vẫn chưa triển khai eKYC trong hoạt động cho vay dù đây là một trong những nguồn doanh thu trụ cột của NH. Theo ông Trần Quốc Anh, NH đã phát triển tính năng vay online để đón đầu nhưng theo quy định, hoạt động cho vay vẫn phải tuân thủ quy định về chứng từ và chữ ký trên hồ sơ vay vốn. Do đó, các NH đang chờ quy định cụ thể về áp dụng eKYC cho vay online, khi NH Nhà nước cho phép áp dụng, HDBank sẽ áp dụng ngay.
Bình luận (0)