Phát triển bền vững hiện trở thành xu hướng toàn cầu, đặc biệt là trong các doanh nghiệp (DN) công nghệ. Các DN Việt Nam cũng phải quen với việc các đối tác, khách hàng nước ngoài khi khảo sát cơ hội đầu tư, liên kết hay đặt hàng đã coi phát triển bền vững là một trong những chỉ số quan trọng để họ quyết định hợp tác.
Chú trọng sáng kiến "xanh"
Theo một báo cáo của hãng tư vấn tiếp thị Edelman (Mỹ), hiện có tới 88% các nhà đầu tư trên thế giới tin tưởng vào việc tạo ra lợi nhuận tốt từ các công ty chú trọng đến các sáng kiến về ESG (Environmental - Social - Governance). Đây là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của DN về môi trường, xã hội và quản trị nhằm duy trì và bảo đảm trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng. Vào năm 2022, có 56% DN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) ứng dụng thành công ESG vào các kế hoạch đầu tư của mình.
Trên bảng xếp hạng Top 10 ESG năm 2022 của Công ty Nghiên cứu Verdict (Anh), có tới 9/10 công ty công nghệ thế giới đạt điểm 5 tuyệt đối về chỉ tiêu ESG, lần lượt là Microsoft, Accenture, Cisco, Capgemini, Etsy, Salesforce, Atos, SAP, LG Electronics. Đứng thứ 10 với 4 điểm là IBM. ESG cũng từng là bí quyết "sống còn" của nhiều DN lớn trên thế giới, giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. ESG phải gắn với kế hoạch phát triển DN từng năm đến nhiều năm. ESG giúp cho DN quản lý được rủi ro, tránh những tổn thất về môi trường, nâng cao uy tín, tạo tiền đề cho DN dễ tiếp cận với các khách hàng; giúp DN tối ưu hóa chi phí sử dụng năng lượng; tạo ưu thế cạnh tranh, giúp thu hút nhiều nhà đầu tư mới và cam kết tốt hơn với các cổ đông. Ngoài ra, ESG giúp DN dễ tiếp cận các nguồn vốn vay do các quỹ đầu tư, các quỹ tín dụng hiện xem xét kỹ về triển vọng phát triển bền vững của DN, coi đó là một tiêu chí phổ biến.
Gian triển lãm của một công ty công nghệ được gắn biển phát triển bền vững ESG GO! tại COMPUTEX Taipei 2023
Chẳng hạn, Viettel IDC đã trở thành một trong những DN đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận được với khoản vay "xanh" từ Ngân hàng HSBC nhờ ESG, khi công ty có một chiến lược ESG bài bản với những hành động, lộ trình và cam kết rõ ràng, có sức thuyết phục cao. Hiện mỗi năm HSBC dành khoảng 2 tỉ USD gọi là "vốn xanh" để giúp DN APAC triển khai các kế hoạch phát triển bền vững, dự án xanh và bảo vệ môi trường. Theo ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc điều hành Viettel IDC, ngày nay DN phải dùng công nghệ để giải quyết bài toán phát triển bền vững. ESG sẽ là yếu tố thay đổi hoàn toàn hoạt động của DN thông qua việc vận hành DN theo hướng sạch hơn, minh bạch hơn và bảo vệ môi trường nhiều hơn dựa trên nguyên tắc và tiêu chuẩn rõ ràng.
Tiến bộ công nghệ đang ngày càng góp phần thúc đẩy chiến lược ESG của DN, đóng vai trò như một trụ cột thứ 4 của ESG (thành ESG+T). Hàng loạt giải pháp công nghệ mới như Smart City, Smart Factory, Smart Logistics, Smart Edu, Digital Trust… đều tác động tới các mặt môi trường, xã hội và quản trị, dựa trên các công nghệ nền tảng như IoT, Big data, AI/ML, Blockchain, 5G Security...
Đẩy mạnh uy tín thương hiệu
Những năm gần đây, ESG được quan tâm rộng rãi tại Việt Nam. Chính phủ đẩy mạnh thực hành các thông lệ quốc tế liên quan đến ESG.
Theo báo cáo khảo sát của Công ty Kiểm toán PWC, hiện có đến 80% DN Việt Nam tham gia khảo sát đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết triển khai ESG trong 2-4 năm tới. Trong đó, có 36% công ty đang ở trong giai đoạn lập kế hoạch triển khai ESG và 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG. Ông Hoàng Văn Ngọc cho biết hiện giá trị thương hiệu của Viettel trên thị trường thế giới được định giá khoảng 9 tỉ USD, trong đó có tới 1 tỉ USD là giá trị của ESG. Trong danh sách Top 50 DN phát triển bền vững tại Việt Nam (Top 50 CSA) 2023 do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức có nhiều DN công nghệ như FPT, Thế Giới Số, Thế Giới Di Động, Panasonic Việt Nam. Ngoài ra, có nhiều DN không thuộc lĩnh vực công nghệ nhưng cũng lọt vào Top 50 CSA 2023 với những thành quả nổi bật về giảm thiểu dấu chân carbon, rác thải, tối ưu hóa nguyên liệu bền vững.
Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều DN Việt Nam vẫn chưa tiếp cận ESG. Các chuyên gia cho rằng khi phát triển bền vững đã trở thành một thành phần cơ bản không thể thiếu trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia thì DN sẽ phải nhập cuộc.
Đề cao tính bền vững trong DN công nghệ
Triển lãm công nghệ máy tính thường niên lớn nhất thế giới COMPUTEX Taipei 2023 ở Taipei vừa qua đã đề cao tính bền vững thân thiện môi trường trong các DN công nghệ. Bên cạnh việc tổ chức diễn đàn đổi mới công nghệ bền vững, các gian hàng "xanh" có gắn biển hiệu ESG GO! cũng được thiết kế riêng. Các nhà triển lãm trong nước và quốc tế đã đạt chứng nhận bền vững quốc tế được đánh dấu bằng ESG GO! - dấu hiệu đại diện cho hình ảnh của chuỗi cung ứng xanh. Đã có 18 công ty công nghệ tham gia, trong đó có những công ty lớn như Acer, ASUS, BenQ, Delta, Gigabyte, Inventec, MSI, Quanta Computer...
Bình luận (0)