Số liệu trên được chuyên trang khoa học, nghiên cứu và công nghệ Phys dẫn kết quả nghiên cứu từ Hiệp hội quốc tế về xử lý và tái chế rác thải điện tử (WEEE) hôm 13-10 cho biết.
"5,3 tỉ trong số khoảng 16 tỉ điện thoại di động được sở hữu trên thế giới có thể bị vứt bỏ hoặc cất giữ trong năm 2022, nó tạo ra lượng rác lớn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe" - thông tin từ Phys nhấn mạnh.
Điện thoại di động dù chứa vàng, bạc, đồng, palladi và một số thành phần có thể tái chế khác nhưng hầu hết khi không được sử dụng, chủ nhân sẽ cất giữ, vứt đi hoặc đốt bỏ. Hành vi này của chủ sở hữu đã gây ra các vấn đề lớn về môi trường và sức khỏe.
5,3 tỉ chiếc điện thoại di động cũ thải ra trong năm 2022. Ảnh: Phys
Báo cáo từ WEEE diễn ra trong bối cảnh Nghị viện châu Âu vừa thông qua luật mới quy định USB-C là chuẩn sạc duy nhất cho tất cả điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy ảnh mới từ cuối năm 2024.
Quyết định của Nghị viện châu Âu dự kiến giúp giảm hơn 1.000 tấn rác thải điện tử và cũng giúp tiết kiệm ít nhất 195 triệu USD mỗi năm tại châu Âu.
Theo thống kê của Global E-waste Monitor năm 2020, điện thoại di động chỉ là một phần trong số 44,48 triệu tấn gồm rác thải điện tử không được tái chế hàng năm trên toàn cầu.
Bình luận (0)