Theo báo cáo từ Nikkei, HP và Dell đang lên kế hoạch tái phân bổ 30% lượng máy tính lắp ráp bên ngoài biên giới Trung Quốc. Hai công ty này đang đứng đầu và thứ ba thế giới, cùng nhau chiếm tới 40% trong tổng thị phần máy tính xách tay toàn cầu.
Một dây chuyền lắp ráp iPhone của Foxconn. Ảnh: Axios.
Trong khi đó, Microsoft, Alphabet, Amazon cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản như Sony, Nintendo đang xem xét dời dây chuyền sản xuất bảng điều khiển cho thiết bị chơi game và linh kiện cho loa thông minh khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới. Các công ty khác như Lenovo, Acer và Asus được cho là cũng có động thái tương tự.
Nguồn tin cho biết, động thái chuyển nhà máy của các công ty trên nhằm tránh bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái xoa dịu tình hình khi gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 tuần trước. "Tình hình vẫn còn quá bấp bênh, trong khi chi phí gia tăng tại Trung Quốc khiến các nhà sản xuất muốn tìm lựa chọn thay thế", nguồn tin tiết lộ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi chỉ thực hiện với một số dây chuyền nhất định để tránh làm tăng chi phí về nhân lực cũng như chuỗi cung ứng.
Các nhà quan sát đánh giá, động thái "di cư hàng loạt" của các công ty có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc sẽ khiến nguồn thu từ xuất khẩu thiết bị điện tử của nước này giảm mạnh trong tương lai gần. "Việc di dời là cú đánh vào tham vọng xuất khẩu điện tử của Trung Quốc, vốn ghi nhận sự tăng trưởng liên tục hàng thập kỷ", một chuyên gia nhận định.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc QianZhan, tổng số xuất nhập khẩu thiết bị điện tử của Trung Quốc tăng tới 136 lần giai đoạn 1991 - 2017, từ 10 tỉ USD lên 1.350 tỉ USD. Đồng thời, việc trở thành công xưởng của thế giới cũng tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho đất nước.
Thế nhưng, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, các hãng công nghệ có nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề do bị đánh thuế cao hơn. Thực tế, Quanta, Foxconn hay Inventec đã chuyển một số dây chuyền khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới để sang Đài Loan, Mexico và Cộng hòa Séc nhằm tránh mối đe dọa về thuế quan bổ sung, cũng như làm giảm bớt những lo ngại của khách hàng về cái gọi là "rủi ro an ninh quốc gia" mà Mỹ đưa ra.
Động thái di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc làm dấy lên mối lo về mất việc làm ở quốc gia này, khiến tăng trưởng kinh tế của đất nước năm 2019 - vốn đã đạt tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990 - bị ảnh hưởng. "Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị cho một tốc độ tăng trưởng kinh tế cực chậm. Nhiều công nhân nhà máy buộc phải tìm kiếm việc làm mới", chuyên gia Darson Chiu của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan nhận xét.
Ngoài ra, nguồn tin tiết lộ rằng các công ty đã và đang tìm "bến đỗ" mới cho mình. HP được cho là sẽ xây dựng nhà máy tại Thái Lan hoặc Đài Loan; Dell đã chạy thử dây chuyền máy tính xách tay ở Đài Loan, Việt Nam và Philippines; Amazon có thể đã bắt đầu sản xuất máy đọc sách điện tử Kindle và loa thông minh Echo tại Việt Nam; Microsoft cũng đã để mắt đến Thái Lan và Indonesia.
Acer, Asus xác nhận với Nikkei rằng, cả hai đang có kế hoạch chuyển nhà máy ra bên ngoài Trung Quốc. Dell, HP, Google, Microsoft và Amazon chưa đưa ra bình luận nào.
Bình luận (0)