Trong thời của di động và điện toán đám mây, phần mềm đã phải nhường chỗ cho các ứng dụng (app). Ngay cả ở máy tính, nền tảng hệ điều hành Windows 10 giờ đây cũng hỗ trợ dạng ứng dụng - chỉ khác là ứng dụng chạy trên máy tính.
Tăng chóng mặt
Theo Statista, trong năm 2017 toàn cầu có 178,1 tỉ lượt tải ứng dụng di động (tăng so với 143,7 tỉ lượt hồi năm 2016). Các ứng dụng game được tải nhiều nhất ở người dùng iOS (chiếm khoảng 25% số ứng dụng đang hoạt động). Năm 2019, dự kiến doanh thu của các ứng dụng di động lên tới 462 tỉ USD. Dự báo vào năm 2023, các ứng dụng di động sẽ tạo ra được 9.935 tỉ USD thông qua các hình thức tải về có trả tiền và quảng cáo trong ứng dụng.
Người dùng cần cẩn trọng với một số ứng dụng (app) cho vay trực tuyến Ảnh :THÁI PHƯƠNG
Trong tình hình các ứng dụng di động sinh sôi nảy nở nhanh và lúc nhúc như nấm sau mưa. Có lẽ chưa bao giờ việc làm ứng dụng cho di động lại dễ như bây giờ, đặc biệt là với những nền tảng mở, nền tảng chia sẻ. Các hãng phát triển hệ điều hành, các hãng chip, các nhà sản xuất thiết bị, các nền tảng… đều cung cấp miễn phí các bộ công cụ nền tảng SDK để các bên thứ ba có thể phát triển các ứng dụng tương thích và chạy trên hệ điều hành, chip, thiết bị, nền tảng của họ. Ngay cả những ứng dụng được phát hành miễn phí cũng có thể đem lại thu nhập cho tác giả từ nguồn thu quảng cáo chèn trong ứng dụng hay bán hàng trong ứng dụng. Không ít người đã trở thành "đại gia" từ ứng dụng. Nổi đình đám ở Việt Nam nhất là trường hợp của nhà lập trình trẻ 8x Nguyễn Hà Đông với game di động Flappy Bird nghe nói đã mang về cho anh nhiều triệu USD. Game này ra đời năm 2013, thời đỉnh điểm có 2-3 triệu lượt tải mỗi ngày, hiện được CNET xếp vào trong TOP 25 ứng dụng có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Vào năm 2019, cửa hàng Google Play cho Android có hơn 2 triệu ứng dụng có thể tải về, trong khi ở kho Apple App Store cho iOS có 1,83 triệu ứng dụng sẵn sàng cho người dùng tải.
Trong các kho ứng dụng có các ứng dụng mang tính chuyên ngành, chuyên môn cao. Vấn đề là cơ quan nào kiểm định chất lượng của các ứng dụng đó. Điều nguy hiểm là phần lớn các ứng dụng chuyên ngành lại do những người ngoài ngành viết ra. Và ngay cả khi do những nhà lập trình có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực của ứng dụng viết ra, các ứng dụng thường khác nhau do có cách xử lý, thuật toán và cơ sở dữ liệu khác nhau. Chẳng hạn như với những ứng dụng đo chất lượng không khí, kết quả có thể khác nhau, gây hoang mang cho người dùng. Càng nguy hiểm hơn nữa là với những ứng dụng có ảnh hưởng tới sức khỏe con người, từ phục vụ các hoạt động rèn luyện thể lực tới chẩn đoán tình trạng cơ thể, tư vấn chữa trị bệnh.
Điều đáng sợ là việc kiểm soát ứng dụng hầu như bị thả nổi - chủ yếu do quản không nổi. Hiện việc kiểm soát ứng dụng trước khi phát hành vẫn nằm trong tay các cửa hàng ứng dụng. Mà họ thì không quan tâm và cũng chẳng bận tâm hay có đủ lực, đủ thẩm quyền để thẩm định về chất lượng chuyên môn của ứng dụng. Miễn ứng dụng nào đáp ứng các tiêu chuẩn do họ đưa ra là có thể lọt vào cửa hàng để được phát hành cho cộng đồng. Tới chừng có ứng dụng xấu nào bị cộng đồng báo cáo, cửa hàng ứng dụng mới xử lý.
Mạnh tay với ứng dụng xấu
Thực tế thì cũng không có cơ quan hay tổ chức chức năng nào có khả năng để quản lý các ứng dụng di động. Thật là bất khả thi nếu nhà chức trách đưa ra quy định các ứng dụng chuyên ngành cần phải có chứng nhận thẩm định của cơ quan chuyên ngành trước khi có thể phát hành trên… mạng.
Trong khi đó, tình trạng thả nổi quản lý chất lượng trong cơn bão loạn ứng dụng ngày càng lợi bất cấp hại, gây nhiều nguy hiểm cho cộng đồng xã hội. Vậy phải làm sao? Nhiều nhà chuyên môn vẫn nghiêng về giải pháp xã hội hóa, để cộng đồng tự thẩm định chất lượng ứng dụng. Tuy nhiên, việc để tự cộng đồng đánh giá theo hình thức đánh sao, chấm điểm hiện nay rất bất cập và dựa chủ yếu vào số lượng người dùng tải về. Tốt cho tất cả là có những tổ chức có uy tín tham gia xài thử và đánh giá các ứng dụng chuyên ngành như những nguồn tư vấn đáng tin cậy cho người dùng. Ở đây rất cần những "hiệp sĩ công nghệ" tham gia giúp cộng đồng.
Song song đó, nhà chức trách xử lý nghiêm khắc các tác giả ứng dụng khi gây ra những hậu quả, thiệt hại cho người dùng. Cứ chiếu theo các luật định là có thể xử được, vi phạm cái gì, xử cái nấy, trên nguyên tắc coi ứng dụng như một công cụ, phương tiện phạm pháp. Có như vậy, những người "đẻ" ra ứng dụng cũng phải chùn tay và thận trọng hơn.
Thận trọng khi cài app
Người dùng di động chỉ nên cài đặt vào thiết bị mình các ứng dụng chính danh, đã được xác nhận có uy tín và hiệu quả, có thể từ tham khảo bạn bè. Cần lưu ý rằng việc cài đặt dễ dãi các ứng dụng vừa khiến cho thiết bị ngày càng nặng nề hơn và bị chiếm dụng nhiều tài nguyên hệ thống hơn, vừa tăng thêm nguy cơ rò rỉ bảo mật dữ liệu cá nhân do những ứng dụng xấu gây ra. Và càng tốt cho cộng đồng nếu như người dùng ứng dụng tận dụng sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội để cảnh báo mọi người về những ứng dụng xấu, có hại mà mình là nạn nhân.
Bình luận (0)