Đầu năm 2020, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ dụng hơn ở Việt Nam. Bên cạnh việc sử dụng các loại thẻ ngân hàng và các dịch vụ Internet Banking truyền thống, người tiêu dùng đã có thể trải nghiệm vô số dịch vụ thanh toán điện tử, nhất là nhu cầu lì xì Tết thông qua nhiều ứng dụng thanh toán.
Kết hợp với ví điện tử
Trước nhu cầu thanh toán, chuyển tiền cực lớn và cơ sở công nghệ (điều kiện cần và đủ) đã sẵn sàng, các công ty công nghệ tài chính (fintech) đua nhau ra đời nhiều dịch vụ và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 24 ngân hàng đã triển khai thanh toán qua mã QR Code, với hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước. Trong khi đó, lĩnh vực fintech đang gia tăng mạnh. Chỉ trong gần 4 năm, số lượng công ty fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 như hiện nay. Trong đó, 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Thanh toán bằng ví MoMo tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện hầu như các sàn thương mại điện tử lớn, các website bán hàng online, thậm chí những ứng dụng gọi xe công nghệ… cũng dành nhiều ưu đãi cho hình thức thanh toán qua ví điện tử. Chẳng hạn, người mua hàng sẽ được giảm giá, ưu đãi giảm hay miễn phí vận chuyển nếu chọn thanh toán bằng ví điện tử đối tác của cửa hàng.
Thay vì tự xây dựng hệ thống thanh toán điện tử cho mình vừa nguy hiểm vừa tốn kém và không phù hợp pháp luật Việt Nam (quy định dịch vụ trung gian thanh toán phải được NHNN xét duyệt cấp phép), nhiều dịch vụ chọn giải pháp kết hợp với các ví điện tử hiện hành. Như siêu ứng dụng đa dịch vụ Grab đã cặp kè với Moca sau một thời gian trực tiếp nhận thanh toán từ các thẻ ngân hàng.
Thanh toán không cần tài khoản ngân hàng
Tính năng lì xì Tết qua ví điện tử đã có từ Tết 2016 với ví Moca và ZaloPay nhưng chỉ thật sự "bùng nổ" từ Tết 2018 khi 3 ví điện tử Momo, Appota và ZaloPay cùng tham gia cuộc chơi. Đầu năm 2020, các đơn vị này đã hoàn thiện, mượt mà hơn các dịch vụ của mình. Chẳng hạn, bạn có thể dùng tính năng lì xì của một ví điện tử để ngay sau thời khắc giao thừa có thể chuyển tới tài khoản người nhận món tiền lì xì lấy hên cho năm mới. Với phương thức này, bạn có thể lì xì những món tiền may mắn có các giá trị như 66.666 đồng, 88.888 đồng… thậm chí kèm theo những lời chúc Tết.
Tại Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" vào giữa năm 2019 tại TP HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: "Không tiền mặt nhưng sẽ có rất nhiều thứ". Ông liệt kê các lợi ích: giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn, nhỏ; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, lãnh thổ với mọi đối tượng người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ. Phó Thủ tướng cũng trấn an các ngân hàng rằng họ sẽ không bị giảm sút doanh thu mà sẽ tập trung phát triển mảng phi tín dụng, huy động được nhiều hơn vốn khả dụng để tăng doanh thu. Chính phủ đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải triển khai việc đóng học phí, tiền nước... không dùng tiền mặt ngay trong năm 2019.
Trong năm 2020, hoạt động thanh toán điện tử ở Việt Nam được dự báo càng thêm sôi động và đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng hơn. Nổi bật nhất, khác biệt nhất và được mong đợi nhất sẽ xảy ra nếu như nhà nước cho phép các nhà mạng di động triển khai loại hình thanh toán di động Mobile Money - có nghĩa là các thuê bao di động không cần phải có tài khoản ngân hàng hay ví điện tử đều có thể thanh toán bằng chính tài khoản số di động của mình. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết họ đang làm việc với NHNN để sớm cấp phép cho loại hình thanh toán di động này. Cả 3 nhà mạng di động Viettel, MobiFone và VNPT/VinaPhone đều đã sẵn sàng với giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán do NHNN cấp. Trước kia, người tiêu dùng có thể dùng thẻ cào di động để thanh toán một số dịch vụ số nhưng từ cuối tháng 4-2018, loại hình thanh toán này đã bị cấm chủ yếu do bị kẻ xấu lợi dụng làm ăn phi pháp. Hồi tháng 9-2018, Viettel, MobiFone và VNPT đã đồng kiến nghị Thủ tướng cho mở lại hình thức thanh toán di động này và vào đầu năm 2019, Thủ tướng đã đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ.
Giờ đây, mọi chuyện dường như đã sẵn sàng cho sự bùng nổ của các loại hình thanh toán điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề sống còn vẫn là nhà nước có chính sách và cơ chế như thế nào để vừa tạo thuận lợi vừa quản lý chặt chẽ loại hình thanh toán phi truyền thống.
Dư địa cho fintech rất lớn
Theo báo cáo của Thống đốc NHNN trước Quốc hội hồi năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 104,9% về số lượng giao dịch và tăng 155,3% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam có nhiều lợi thế vàng cho phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Một nửa trong số 51 triệu người dùng điện thoại ở Việt Nam là dùng điện thoại thông minh, nghĩa là có khả năng giao dịch di động. Hơn một nửa dân số (khoảng 50 triệu người) sử dụng internet thường xuyên, tức là đối tượng tiềm năng cho thanh toán online. Trong khi đó, hồi tháng 6-2019, Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết cả nước hiện có khoảng 45 triệu tài khoản cá nhân (đã loại bỏ số trùng), nghĩa là dư địa cho fintech rất lớn.
Ông NGÔ TRUNG LĨNH, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (VietUnion) - ví điện tử Payoo:
Nhiều kênh thanh toán
Với Payoo, người dùng có thể sử dụng bất kỳ phương tiện thanh toán điện tử nào để thực hiện việc thanh toán, chẳng hạn như dùng thẻ ATM, thẻ Visa/MasterCard/JCB, dùng các ứng dụng di động của ngân hàng để thanh toán qua mã QR, hay dùng các ví như ZaloPay, Moca trên ứng dụng Grab... Hệ thống Payoo không chỉ hỗ trợ thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử hay trên ứng dụng di động mà còn tại các điểm cửa hàng thông qua thiết bị EDC POS. Payoo cũng phối hợp với các đối tác để triển khai chương trình khuyến mãi nhằm khuyến khích người dùng trải nghiệm phương thức thanh toán mới tiện lợi hơn.
Bà TRƯƠNG CẨM THANH, Giám đốc Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay:
Chuyển tiền đơn giản như gửi tin nhắn
Đầu năm 2020, ZaloPay chính thức đến tay 100 triệu người dùng Zalo. Khách hàng có thể chuyển tiền cho bạn bè, người thân ngay trong khung chat, lì xì trong nhóm chat và thanh toán đơn giản như gửi một tin nhắn. Người dùng Zalo còn có thể tra cứu số dư tài khoản ví điện tử ZaloPay, thực hiện việc liên kết ngân hàng và một số chức năng thanh toán cơ bản như: thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thao tác quét QR Code của ZaloPay; thanh toán hóa đơn, mua mã thẻ điện thoại, nạp dịch vụ 3G/4G ngay trong giao diện của Zalo. Tính năng này được ra mắt vào thời điểm trước Tết Canh Tý 2020, khi nhu cầu chuyển tiền để mua sắm tăng cao, sẽ giải quyết bài toán chuyển - nhận tiền vào dịp này hằng năm, đồng thời thêm phương thức thanh toán đơn giản, dễ dàng, tiện lợi và trải nghiệm mới cho khách hàng. Để khuyến khích người dùng sử dụng tính năng này, vào thời điểm giao thừa Tết nguyên đán 2020, ZaloPay có chương trình "Vòng xoay Lì xì" gửi tặng 2.020.000 bao lì xì miễn phí để khách hàng trải nghiệm gửi lì xì vào nhóm chat Zalo tặng bạn bè, người thân...
Ông NGUYỄN BÁ DIỆP, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập HĐQT Ví MoMo:
Tạo hệ sinh thái cho người dùng ví
Để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, MoMo tung chương trình "Hoàn tiền năm Canh Tý - Nhận ưu đãi mỗi ngày cùng MoMo" với mức hoàn tiền lên đến 30% cho khách hàng mới thanh toán bằng ví lần đầu tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê và trà sữa; hệ thống cửa hàng xăng dầu PVOIL và COMECO trên toàn quốc... Ví cũng là công cụ đắc lực giúp người dùng gửi lộc đầu năm đến người thân, bạn bè... qua tính năng Lì xì, Đòi lì xì vốn rất được yêu thích, chờ đợi mỗi dịp Tết. Ngoài ra, MoMo còn hỗ trợ người dùng thanh toán các dịch vụ công, thanh toán tại các bệnh viện, trường học, phí chung cư, thanh toán vay tiêu dùng... giúp người dùng có một cái Tết trọn vẹn "không dùng tiền mặt". Đối với doanh nghiệp, ví MoMo giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền thu - chi dễ dàng hơn, không tốn nhiều nhân lực cho kiểm đếm tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian, thu hút nhiều khách hàng hơn. T.Phương ghi
Bình luận (0)