“Ông anh gần nhà xem livestream Facebook mua iPhone XS Max giả với giá 290.000 đồng. Biết là ông anh mình ham rẻ nhưng cũng chuyển cho cái điện thoại chứ ai lại chuyển cục gỗ như thế này”, tài khoản Facebook L. Socola chia sẻ.
Theo thông tin trên đơn hàng, người gửi có tên “fpt telecom”, ngày gửi là 10-8. Đặc biệt, phần ghi chú khách hàng ghi rõ “Không cho xem hàng”.
“Điều này có nghĩa người nhận không được mở gói hàng trước khi trả tiền. Đây là chiêu lừa đảo thường thấy ở các shop bán hàng không uy tín”, Trúc Hoàng, một người bán hàng online lâu năm, cho biết.
Mua điện thoại iPhone XS Max giả, thứ người dùng nhận được chỉ là một cục gỗ. Ảnh: FBNV.
Theo tài khoản L. Socola, việc lừa đảo như vậy không chỉ “thất đức” mà còn gây ảnh hưởng lớn đến những người bán hàng chân chính giữa thời buổi niềm tin người dùng dành cho thương mại điện tử vốn đã ít ỏi.
Trang Facebook đã quảng cáo cho chiếc iPhone “cục gỗ” trên nhận được nhiều đánh giá kém từ cộng đồng người dùng. Nhiều người cho biết đã mua hàng và nhận được một cục gỗ tương tự.
Vì giá hời, hình ảnh chụp chi tiết, nhiều người dùng ham rẻ cho rằng mình sẽ mua được một chiếc iPhone XS Max giả với độ hoàn thiện cao. Tuy vậy, hình ảnh được dùng để quảng cáo là iPhone thật nhưng thứ nhận về chỉ là một cục gỗ.
Đây không phải lần đầu hình thức lừa đảo này được áp dụng. Trước đó, ngày 2-8, trang Facebook đã xác thực của Công an TP Hà Nội cũng đăng bài viết có nội dung cảnh báo người dân trước thủ đoạn lừa đảo của một shop bán hàng online.
Mua Apple Watch giả, người dùng nhận được đồng hồ như "đồ chơi". |
Theo phản ảnh của nhiều người mua hàng trong một nhóm cộng đồng, trang Hieu Mobile đăng tải hình ảnh đồng hồ có tên Apple Watch với giá 400.000 đồng nhưng giảm còn 250.000 đồng. |
Theo lời chủ shop đăng tải, với mức giá này, người mua sẽ nhận được mẫu đồng hồ nhái 1:1 với Apple Watch. Đồng hồ sẽ đi kèm những chức năng như nghe nhận cuộc gọi, xem Facebook, đo nhịp tim, định vị, lướt web…
“Với giá 250.000 đồng, tôi chỉ mong sản phẩm có hình dáng như shop quảng cáo chứ không mong các tính năng phải quá nhiều. Thế nhưng khi nhận được sản phẩm, nó không khác gì đồ chơi con nít với đèn đỏ chớp tắt”, tài khoản Facebook Long Phạm, người đã mua hàng của shop Hieu Mobile cho biết.
Cuối tháng 7, nhiều người dùng Facebook phản ánh việc họ bị một shop online có tên Peter Tran lừa đảo khi mua hàng online. Tuy vậy, những phản ánh này chỉ được đăng tải trên trang cá nhân hoặc trong các hội nhóm bởi mặt hàng trang này bán là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trang này bán cây ba trắc với giá 200.000-300.000 đồng, mức giá được cho là rất rẻ so với thị trường chợ đen. Bản chất là mặt hàng cấm nên shop Peter Tran quy định không cho kiểm hàng khi giao. Người mua chỉ có thể trả tiền sau đó mới được mở hàng.
Không ít trường hợp người dùng nhận được thứ khác với mặt hàng đã đặt. |
“Tâm lý người mua sẽ không kiểm hàng trước mặt shipper vì đây là loại hàng cấm. Dựa vào tâm lý này shop Peter Tran đã giao cho người mua những sản phẩm không đúng như lời quảng cáo”, H. Hoàng, một người mua yêu cầu giấu tên. |
Sau khi thanh toán và nhận hàng, người mua tá hỏa khi bên không chiếc hộp dán băng keo chằng chịt với tên người gửi “Peter Tran” chỉ là một ống nhựa chứa đầy cát. Một số trường hợp khác người dùng phản ánh bên trong là một đoạn sắt 30 cm.
Trả lời Zing.vn, ông Lương Trung Tình, CEO Giao hàng tiết kiệm, cho biết đơn vị vận chuyển này ghi nhận rất nhiều trường hợp tương tự. Theo ông Tình, người mua hàng nên yêu cầu các shop bán online đăng ký đồng kiểm với đơn vị vận chuyển.
“Người dùng nên yêu cầu shop online phải cho xem hàng trước khi thanh toán, đặc biệt là với các cửa hàng trên Facebook. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần kiểm tra địa chỉ shop, nếu gần nhà thì nên mua trực tiếp để tránh bị lừa”, ông Tình nói thêm.
Bình luận (0)