Theo nhận định của ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam và Myanmar, 5G sẽ giúp Việt Nam phát huy hết tiềm năng, đẩy nhanh hành trình chuyển đổi số và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với tầm nhìn chiến lược của Chính phủ.
Phổ cập smartphone 5G tầm trung
Ngày 4-1, hãng Qualcomm của Mỹ, nhà sản xuất chip di động số 1 thế giới, đã ra mắt nền tảng di động Snapdragon 480 5G dành cho các thiết bị phổ thông. Giới truyền thông công nghệ quốc tế gọi đây là "chip 5G cho mọi người". Có lẽ trong nửa cuối năm 2021 mới thật sự có trên thị trường những chiếc smartphone phổ thông hỗ trợ 5G. Nhưng ngay trong quý I/2021, người dùng ở phân khúc tầm trung sẽ được trải nghiệm thêm nhiều mẫu smartphone 5G mới hơn.
Sau khi Qualcomm ra mắt dòng chip Snapdragon 400 series đầu tiên hỗ trợ 5G, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết trong năm 2021, sẽ sớm có những smartphone 5G có giá thành chỉ khoảng 150 USD. Ông Nguyễn Việt Hoàng, Tổng Giám đốc HMD Global (hãng sở hữu thương hiệu Nokia) Việt Nam, Campuchia và Lào, cũng nói rằng Nokia sẽ sớm đưa ra những smartphone phổ thông có kết nối 5G. Trong khi chờ đợi thị trường Việt Nam có những smartphone 5G giá dưới 5 triệu đồng, ngay từ những tháng cuối năm 2020, người dùng di động đã có được những thiết bị 5G có giá dưới 10 triệu đồng và theo xu hướng ngày càng phủ xuống giá thấp hơn. Chẳng hạn, OnePlus Nord N10 5G được mở bán tại Việt Nam từ ngày 10-12-2020 với giá 7.990.000 đồng. Tối 8-1, hãng Xiaomi - hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới - đã ra mắt toàn cầu smartphone Redmi Note 9T, sản phẩm 5G đầu tiên trong dòng smartphone tầm trung Redmi Note. Theo bà Abi Go, người đứng đầu Bộ phận tiếp thị sản phẩm của Xiaomi, Redmi Note 9T mới ra mắt này có giá bán lẻ chính hãng từ Xiaomi với phiên bản RAM + ROM thấp nhất là 229 euro (6,6 triệu đồng); nhưng trong thời gian mở đầu chỉ có giá 199 euro (5,7 triệu đồng).
Ngay từ ngày 11-1, chiếc smartphone 5G tầm trung này bắt đầu được mở bán tại các kênh bán lẻ đối tác của Xiaomi trên toàn cầu. Redmi Note 9T chạy chip di động 5G của hãng Đài Loan MediaTek, một nhà phát triển chip di động hàng đầu thế giới, chỉ sau Qualcomm. Điều này cho thấy các nhà sản xuất chip di động đang mở rộng tính năng hỗ trợ 5G ra các dòng chip của mình để phủ thị trường. Trong khi đó, ở Việt Nam, thương hiệu smartphone Vinsmart (thuộc Vingroup) ngay từ giữa năm 2020 đã có những mẫu thử nghiệm của smartphone 5G (Vsmart Aris 5G) với sự hợp tác cùng Qualcomm. Và tại Triển lãm Công nghệ Tech Awards 2020 diễn ra mới đây ở TP HCM, Vinsmart đã giới thiệu mẫu Aris 5G Pro trang bị chip Snapdragon 765. Samsung, OPPO… đều cho biết sẽ sớm đưa ra thị trường mẫu smartphone 5G tầm trung.
5G đã được phát sóng tại trung tâm TP Thủ Đức (TP HCM)Ảnh: Minh Trí
Cần lộ trình phù hợp để tránh lãng phí
Khác với các công nghệ trước, công nghệ di động 5G với những tính năng ưu việt của mình có tầm ứng dụng rất rộng. Chẳng hạn, nhờ lợi thế tốc độ cực nhanh (có thể đạt tới 10Gbps, nhanh gấp 100 lần 4G), độ trễ gần như bằng 0, băng thông rộng cho phép hàng trăm thiết bị cùng kết nối một lúc… mạng 5G thật sự là một công nghệ không dây cho doanh nghiệp, điều khiển người máy, kết nối xe tự hành...
Khả thi nhất là nhà mạng sẽ dùng 5G thay cáp quang để đưa internet tới các vùng sâu, vùng xa, vùng không thể chạy cáp. Tuy nhiên, theo nhiều nhà chuyên môn, trong những năm đầu và ở hầu hết các nước, 5G vẫn phải phục vụ đầu tiên cho đối tượng người dùng di động rộng rãi. Có nghĩa là thay vì dùng 3G, 4G, người dùng di động nâng lên chạy 5G để được hưởng tốc độ cực nhanh, băng thông cực rộng… của nó. Nhu cầu giải trí di động được nâng cao hơn khi tốc độ tải data của 5G tính bằng giây so với bằng phút của 4G. Sự phổ dụng ngày càng rộng lớn của các thiết bị đeo, thiết bị IoT, AIoT… càng thôi thúc 5G được triển khai rộng và sớm hơn, vì 5G được sinh ra là cho những thiết bị này.
Việc phủ 5G cho cả phân khúc tầm trung và phổ thông là một thực tế, nhất là khi nó khắc phục được những hạn chế của mạng 3G/4G hiện nay. Người dùng tiếp cận 5G không phải như một công nghệ cao cấp mà là công nghệ tiên tiến kế tiếp. 5G bản thân là một nền tảng, chuẩn kết nối di động phục vụ cho mọi người dùng, mọi thiết bị được hỗ trợ nhưng việc triển khai 5G không phải chỉ đơn thuần là về công nghệ mà còn là một bài toán thương mại. Trước hết vẫn là sự tính toán đầu tư của các nhà mạng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho 5G không hề rẻ. Nhà mạng chỉ có thể tận dụng được những cây cột ăng-ten, hệ thống cấp điện từ các trạm BTS 4G để gắn các bộ ăng-ten 5G và phụ kiện. Các nhà sản xuất smartphone cũng phải cân nhắc nhu cầu người dùng để đưa ra những sản phẩm thích hợp theo lộ trình có lợi nhất cho mình. Trong thời kỳ đầu, việc triển khai 5G chỉ có thể được thực hiện tại những thành phố lớn và cũng chỉ tại một số khu vực mà nhà mạng thấy phù hợp. Vì thế, có thiết bị nhưng chưa có sóng 5G hay ngược lại để sử dụng thì coi như lãng phí.
Trung Quốc - thị trường 5G lớn nhất thế giới
Vào năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng được khoảng 126.000 trạm BTS 5G, theo Bộ Công nghệ và Công nghệ thông tin Trung Quốc, trong năm 2020, số lượng trạm BTS 5G đã tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Trung Quốc hiện đã đạt mục tiêu phủ sóng 5G ở khắp các tỉnh, thành phố. Số thiết bị đầu cuối kết nối 5G ở đây đã lên tới hơn 200 triệu đơn vị, trở thành thị trường 5G lớn nhất thế giới.
Bình luận (0)