Mua sắm, giao dịch trực tuyến đã và đang trở thành xu thế chung của người dùng internet toàn thế giới cũng như Việt Nam. Đặc biệt, việc bùng nổ số lượng giao dịch mua sắm trực tuyến vào dịp Tết Nguyên đán cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người dùng, nhất là việc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Chẳng hạn, thông tin về ngày tháng năm sinh, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập ứng dụng… dễ dàng bị đánh cắp khi người dùng thao tác một cách bất cẩn trên không gian mạng internet.
Anh T.B (quận Bình Thạnh, TP HCM) thường xuyên mua sắm trên mạng trong khoảng 2 năm trở lại đây do tính chất công việc bận rộn, không có nhiều thời gian đi lựa đồ trực tiếp. Anh cho biết đã lập tài khoản ở gần 10 trang mua sắm online nhưng chỉ sử dụng một email và mật khẩu duy nhất để tránh bị quên hay nhầm mật khẩu.
Cũng với lý do để dễ nhớ, bà Xuân (quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ sử dụng một mật khẩu cho tất cả tài khoản Facebook, email và trang thương mại điện tử. "Tuổi đã cao, dễ nhầm lẫn nên tôi chỉ đặt 1 mật khẩu cho tất cả các tài khoản" - bà Xuân giải thích.
Đặt chung 1 mật khẩu cho nhiều tài khoản là một trong những lý do dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng. Khảo sát mới đây của Google cho thấy tại thị trường Việt Nam, 90% người được hỏi sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web khác nhau, cao hơn mức 81% của cả khu vực.
Đặc biệt, gần một nửa số người tham gia khảo sát thừa nhận sử dụng lại mật khẩu cho tối đa 10 trang web. Tỉ lệ đặt mật khẩu dễ đoán của người Việt trong khảo sát là cao nhất khu vực, 7/10 người (72%).
Ngoài ra, Google còn ghi nhận người dùng Việt có thói quen chia sẻ mật khẩu với bạn bè và người thân gia đình với tỉ lệ 69%, mức cao nhất khu vực.
Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy tỉ lệ tội phạm mạng đã tăng 600% trên toàn thế giới so với trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Nguy cơ đánh mất dữ liệu cá nhân càng tăng cao ở thời điểm mua sắm trực tuyến bùng nổ dịp cuối năm.
Ông Vũ Thế Hải, Trung tâm Giám sát và Vận hành An toàn thông tin - Công ty CP An ninh mạng Việt Nam (VSEC), cho hay hiện có nhiều công cụ hỗ trợ lưu trữ mật khẩu miễn phí, người dùng internet có thể sử dụng lưu trữ nhằm bảo đảm an toàn hơn cho tài khoản của mình.
Ngoài ra, ông Hải lưu ý người dùng khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng, nên lựa chọn môi trường an toàn, hạn chế giao dịch ở các điểm internet công cộng.
"Theo quy định của Bộ Công Thương, các trang thương mại điện tử phải đăng ký và thông báo với bộ. Ở vị trí dưới cùng của các trang web đã đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận đều có thông tin "Đã đăng ký". Người dùng nên lựa chọn những trang web uy tín, được cấp phép để tham gia mua sắm, giao dịch. Ngoài ra, người dùng nên sử dụng các trang thương mại điện tử có giao thức an toàn bảo mật https, đây là những trang có độ an toàn, tin cậy cao hơn" - ông Hải lưu ý thêm.
Theo các chuyên gia, một số sàn thương mại điện tử đã tích hợp hệ thống bảo mật 2 lớp để bảo vệ thông tin người dùng. Nhưng để tự bảo vệ mình, người dùng cần có những cách bảo mật tài khoản khác nhau, như đặt mật khẩu có độ khó cao, sử dụng thông tin kín, tránh sử dụng ngày tháng năm sinh để đặt mật khẩu, không dùng chung 1 mật khẩu cho nhiều tài khoản…
Chuyên gia an ninh mạng Võ Khánh Dương (Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena) khuyến cáo người sử dụng internet nên cập nhật các phần mềm, ứng dụng thường xuyên, không cắm ổ đĩa cứng và ổ cứng di động lạ vào máy tính, không gửi dữ liệu cá nhân qua email, cảnh giác với các trò chơi trực tuyến… để tránh nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.
Bình luận (0)