Thông tin trên vừa được Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương thông báo.
Cụ thể, cuộc điều tra chính thức này bắt nguồn từ cuộc điều tra sơ bộ vào tháng 5-2020 với nội dung đánh giá công tác phát hiện và xử lý các nhận xét giả trên các nền tảng trực tuyến.
Tại cuộc điều tra chính thức, dự kiến CMA sẽ tập hợp thông tin để xem xét về việc vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Amazon và Google. Việc này đã làm dấy lên những quan ngại về việc liệu hai công ty này đã tiến hành đủ những biện pháp cần thiết để ngăn chặn nhận xét giả hay không, bao gồm: phát hiện nhận xét giả, gây nhầm lẫn; xóa bỏ các nhận xét giả khỏi nền tảng; áp mức xử phạt đối với người nhận xét hoặc doanh nghiệp liên quan để ngăn chặn hành vi đăng nhận xét giả, gây nhầm lẫn lên nền tảng.
Theo cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh, nhận xét giả hoặc gây nhầm lẫn có thể khiến hàng triệu người mua sắm trực tuyến có thể bị nhầm lẫn và tiêu tiền vì những nhận xét giả.
Tại Việt Nam, tình trạng viết nhận xét không khách quan, nhận xét giả hoặc đăng nhận xét để được nhận ưu đãi đã xuất hiện, dẫn đến tình trạng người tiêu dùng gặp khó khăn khi đưa ra quyết định giao dịch.
Trong bối cảnh đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người tiêu dùng cẩn thận trước một số review giả hoặc không khách quan, nhận xét cho thấy người viết được nhận thù lao, tiền hoa hồng. Đặc biệt, cẩn trọng trước những nhận xét quá tích cực và hay kèm các dấu cảm thán; nhận xét quá tích cực và kèm theo nội dung "cầu xin" nhà sản xuất sản xuất thêm, sản xuất lại sản phẩm, dịch vụ; nhận xét quá tích cực về sản phẩm, dịch vụ mới ra mắt kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn; sản phẩm, dịch vụ được rất nhiều người nổi tiếng cùng nhận xét trên mạng xã hội…
Ảnh minh họa
Ngoài ra, một số nhận xét sau đây cũng không đáng tin: nhận xét quá tiêu cực nhưng không đưa ra lý do; nhận xét quá tiêu cực về sản phẩm để được hoàn lại tiền; nhận xét có nội dung gần giống nhau đã xuất hiện ở nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội; trang cá nhân của người viết nhận xét ở trạng thái công khai, có rất ít thông tin cá nhân, không có nhiều bài đăng, có dấu hiệu lập ra chỉ để viết nhận xét…
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến cảnh giác trước những bài review như trên.
Người tiêu dùng nên mua hàng từ những sàn thương mại điện tử chỉ cho phép người đã mua sản phẩm, dịch vụ nhận xét về sản phẩm, dịch vụ đó.
Đồng thời, nên đọc thật nhiều nhận xét trên các nền tảng khác nhau; tìm hiểu về các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ tương tự trước khi đưa ra quyết định.
Bình luận (0)