Theo PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Y tế, trong năm qua, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện việc khai báo y tế điện tử, ứng dụng truy vết tiếp xúc để phát hiện bệnh Covid-19. Việc khai báo y tế điện tử giúp truy vết nhanh các đối tượng liên quan để khoanh vùng dập dịch hiệu quả. Ngành y tế cũng đang hoàn thiện bản đồ về an toàn Covid-19.
Dùng kết nối không dây gần
Thế giới vẫn đang trong cao điểm chưa từng có về tình hình lây nhiễm mới Covid-19. Từ đầu tháng 11-2020 tới nay, gần như ngày nào cũng có thêm hơn nửa triệu ca nhiễm mới, cao nhất là hơn 845.000 ca nhiễm mới vào ngày 8-1-2021. Còn ở Việt Nam, một đợt lây nhiễm trong cộng đồng mới vừa bùng phát, đến nay đã ghi nhận hơn 100 ca mắc mới trong cộng đồng tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...
Trong thời gian qua, cả thế giới đang dùng các ứng dụng và thiết bị công nghệ để truy vết các tiếp xúc nhằm tìm ra người từng tiếp xúc với những ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, Singapore là một trong những quốc gia tiên phong phát triển ứng dụng truy vết Covid-19 sử dụng kết nối không dây gần Bluetooth.
Tỉnh Quảng Ninh phát động cài đặt ứng dụng Bluezone trên các địa bàn trong tỉnh Ảnh: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Từ tháng 9-2020, Chính phủ Singapore đã bắt đầu phát miễn phí thiết bị đeo truy vết tiếp xúc Covid-19 dùng Bluetooth TraceTogether Token cho tất cả người dân từ 7 tuổi trở lên. Đầu tiên là với những đối tượng có nguy cơ cao và không có smartphone để cài đặt ứng dụng truy vết tiếp xúc TraceTogether. Chính phủ Singapore khẳng định các thiết bị truy vết tiếp xúc kết nối Bluetooth này không chứa chip GPS và sẽ không có kết nối internet hoặc di động. Vì vậy, dữ liệu thu thập chỉ được trích xuất khi thiết bị được bàn giao thực tế cho một quan chức y tế. Các thiết bị đeo này là rất cần thiết để lấp những khoảng trống trong cộng đồng, như trẻ em hoặc cá nhân không có smartphone.
Singapore cũng đưa ra những biện pháp bổ sung cho nỗ lực truy vết số như dịch vụ tự kiểm tra Self-Check mới, dịch vụ nhắn tin SMS cảnh báo những người đã đến cùng các địa điểm công cộng và cùng lúc với các trường hợp mắc Covid-19. Cả hai dịch vụ này dựa trên dữ liệu từ các lần đăng ký SafeEntry của các cá nhân.
Mọi người ở Singapore bắt buộc phải đăng ký hệ thống SafeEntry khi đến các địa điểm công cộng như quán ăn, trung tâm thương mại. Người dân có thể dùng ứng dụng di động TraceTogether quét mã QR và kết nối với SafeEntry - hệ thống có khả năng kiểm soát, truy vết và khoanh vùng những đối tượng từng tiếp xúc gần hoặc đến nơi có ca nhiễm F0, thông qua mỗi lần truy cập vào mạng WiFi hoặc đến chỗ làm, nơi công cộng... Ứng dụng TraceTogether này đã được Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel... sử dụng để truy vết, khoanh vùng và kiểm soát các ca nhiễm trong cộng đồng.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước coi trọng biện pháp truy vết tiếp xúc. WHO nhấn mạnh khi được áp dụng một cách có hệ thống, việc truy vết tiếp xúc sẽ phá vỡ các chuỗi lây truyền bệnh truyền nhiễm và đó là một công cụ y tế công cộng cần thiết để kiểm soát sự bùng phát bệnh truyền nhiễm. Biện pháp dùng ứng dụng Bluetooth để truy vết tiếp xúc được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp các nước an toàn hơn khi có thể bắt đầu mở cửa dần với nước ngoài.
Phòng chống dịch bằng tin nhắn
Truy vết tiếp xúc đã được Chính phủ Việt Nam đưa thành một trong 5 biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cấp quốc gia (gọi là biện pháp "5K": Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách).
Ngành y tế khuyến nghị người dân khai báo y tế bằng ứng dụng NCOVI (trên web và di động) và cài đặt ứng dụng truy vết tiếp xúc Bluezone. Theo nhóm phát triển ứng dụng, Bluezone chỉ có ý nghĩa khi nhiều người cài đặt và đã ghi nhận được lịch sử tiếp xúc từ trước khi phát hiện ca nhiễm. Nếu người mắc Covid-19 đã cài Bluezone từ trước thì việc truy vết, xác định và khoanh vùng các ca F1, F2 sẽ được thực hiện rất nhanh.
Theo kho ứng dụng Play Store cho Android, tính tới ngày 29-1, với phiên bản mới nhất 3.2.2 cập nhật ngày 18-1, Bluezone đã có hơn 10 triệu lượt cài đặt. Còn trên kho ứng dụng App Store cho thiết bị iOS, Bluezone hiện đứng số 1 về số lượng cài đặt trong nhóm ứng dụng Sức khỏe và Rèn luyện thể lực. Thực tế cho thấy, người dùng thường gỡ bỏ hay tắt ứng dụng truy vết tiếp xúc khi cảm thấy tình hình đã an toàn, chủ yếu là sợ bị "theo dõi". Vì thế, cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở cho người dân nâng cao ý thức về việc sử dụng các ứng dụng này.
Theo PGS-TS Trần Quý Tường, với những bứt phá ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, đã có hơn 14 tỉ tin nhắn liên quan đến công tác khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 được gửi đến người dân trên toàn quốc. Đây là những tin nhắn được các doanh nghiệp triển khai miễn phí trên các nền tảng, mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, huy động hơn 20 doanh nghiệp công nghệ tham gia với gần 1.000 kỹ sư CNTT phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, còn có 2 ứng dụng được triển khai gồm: Phần mềm khai báo y tế NCOVI dành cho người dân Việt Nam và Vietnam Health Declaration (VHD) dành cho người nhập cảnh Việt Nam. Với ứng dụng NCOVI, người dùng sẽ cung cấp các thông tin phản ánh người nghi ngờ mắc bệnh, người đi về từ vùng dịch hoặc khai báo thông tin sức khỏe hiện tại của mình để cơ quan chức năng triển khai nhanh các biện pháp phòng chống dịch. Với ứng dụng VHD, có thể khai bằng cách quét mã QR qua smartphone để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo.
Tiếp xúc với F2, tự xem là F3 là không cần thiết
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), Bộ Y tế hiện nay chỉ quy định truy vết, xử lý tiếp xúc ở 2 mức độ F1 và F2. Vì thế, việc người dân khi tiếp xúc với F2 tự xếp mình vào F3 rồi F4... là không cần thiết, có thể gây hoang mang cho bản thân và cộng đồng. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, cơ quan chức năng mở rộng diện truy vết thì mới có hướng dẫn cụ thể.
Bình luận (0)