Khi lướt qua những kênh chuyên làm thiện nguyện trên YouTube…, chúng tôi bị ngợp trước lòng từ tâm và góp tay chia sẻ của cộng đồng, cả trong và ngoài nước. Phổ biến là hình thức những nhà hảo tâm tài trợ cho một vài kênh mà họ tin tưởng. Theo một số bạn ở Mỹ, họ lựa chọn những chủ kênh ăn nói dễ thương, có cảm tình, năng nổ và chịu thương chịu khó, xông xáo nơi này nơi nọ để phát hiện những mảnh đời đang cần cứu giúp và đặc biệt là rõ ràng, sòng phẳng và biết chi tiêu hợp lý về tiền bạc.
Chuyện tặng người cơ nhỡ vài trăm ngàn đồng tiền mặt là rất thường tình. Có những YouTuber được những người hảo tâm gửi sẵn cho quỹ một số tiền để trên đường đi, bất chợt gặp những mảnh đời cơ nhỡ là có thể giúp đỡ ngay. Có những YouTuber chuyên quay cảnh các khu chợ quê và thường mua giúp hàng hóa cho những người già cả hay khuyết tật, bệnh tật. Rồi tới những chuyến tặng gạo, mắm muối, dầu ăn, mì gói và những nhu yếu phẩm khác cho những gia đình khó khăn ở địa phương. Mùa tựu trường thì tặng quần áo, dụng cụ học sinh, đóng tiền bảo hiểm, thậm chí mua cả xe đạp cho học sinh.
Không thể kể hết được những gì mà cộng đồng mạng làm cho những đồng bào không may lâm bệnh tật trầm trọng hay nan y. Gần đây có một bà mẹ trẻ người H’Mông ở Hà Giang sống cùng 2 con nhỏ trong một cái chòi cheo leo trên vách núi đã được tài trợ tiền về Hà Nội điều trị đôi mắt bao năm nay chỉ thấy lờ mờ. Các nhà hảo tâm cam kết chung tay chi trả mọi chi phí chữa trị. Có rất nhiều người bị những chứng bệnh nan y đã được tài trợ tiền thuốc men, sữa bồi dưỡng và thậm chí chi phí chữa trị vài chục triệu đồng, có khi cả trăm triệu đồng…
Điều đáng nói và đáng quý, chuyện từ thiện online đó chính là hoa quả của công nghệ, của cuộc sống số. Chúng tôi quan sát thời gian dài và thú vị trước sức mạnh của công nghệ số và tấm lòng từ tâm của đồng bào bốn phương. Chỉ cần một YouTuber quay hoàn cảnh của một mảnh đời khó khăn nào đó rồi đăng lên mạng, vài ngày sau sẽ có những nhà hảo tâm chung tay trợ giúp.
Thế nhưng, chuyện làm từ thiện online cũng có nhiều bất cập, có những mặt trái hay những góc khuất làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm thiện nguyện thật tâm, minh bạch và đến nơi đến chốn. Có ý kiến cho rằng cần có những biện pháp quản lý việc làm từ thiện online tự phát như vậy để tránh những trường hợp lợi dụng, trục lợi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cứ để việc từ thiện theo ý muốn và tâm nguyện của mình. Khi nào và vụ nào xảy ra tranh chấp, kiện tụng thì cơ quan chức năng mới can thiệp xử lý theo pháp luật.
Điều luôn quan trọng là các hoạt động từ thiện online này rõ ràng đã gánh vác cho nhà nước một phần không nhỏ trong việc chăm lo cho những mảnh đời kém may mắn. Khi nhà nước không thể nào bao trùm thì nên tạo thuận lợi cho cộng đồng mạng thực hiện. Đó là mặt tích cực của mạng xã hội và cuộc sống số.
Bình luận (0)