Theo ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu, trước đó quận đã cho lắp đặt hệ thống camera, tổ chức tuần tra lưu động để bảo đảm việc tuân thủ nghiêm quy định giãn cách. Tuy nhiên, việc giám sát rất khó thực hiện với các ngõ hẻm sâu. Dùng flycam đã tỏ rõ ưu thế giám sát từ trên cao.
Việc khai thác các ưu thế của flycam đã được thế giới áp dụng từ lâu. Ngay ở Trung Quốc, trong thời kỳ phong tỏa lúc cao điểm của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã dùng flycam để giám sát tình hình tuân thủ của người dân, thậm chí dùng flycam để bay tới từng nhà đo thân nhiệt của người dân. Cảnh sát còn dùng flycam có gắn loa để phát đi các thông báo hay cảnh cáo những người vi phạm bị ghi hình. Flycam cũng cho thấy sự hữu dụng khi phải tiếp tế nhu yếu phẩm.
Trong khuôn viên Bệnh viện dã chiến số 14 (TP HCM), robot đã được dùng để vận chuyển cơm nước, vật tư y tế tới phòng bệnh hay khử khuẩn, trò chuyện với người bệnh và truyền thông tin ra bên ngoài. Điều này giúp giảm được việc nhân viên y tế phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh trong những công việc ngoài chuyên môn. Điều thú vị khi các robot này là hàng "made in Vietnam" do thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh - Bệnh viện Trung ương Huế - chế tạo. Còn các robot hoạt động tại Bệnh viện dã chiến số 7 (TP HCM) - Bệnh viện Quân y 175 phụ trách - là do nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự chế tạo.
Vào tháng 4-2020, những con robot Vibot này đã ra đời và bắt đầu phục vụ tại nhiều khu cách ly, bệnh viện Covid-19. Đến nay, sau khi được nâng cấp và cải tiến, robot thế hệ 2 Vibot-2 đã hữu hiệu hơn. Ngoài các chức năng vận chuyển, robot còn được tích hợp hệ thống nghe nhìn để giúp các bác sĩ và người bệnh có thể trò chuyện với nhau từ xa. Trước khi vào phục vụ công tác chống dịch tại TP HCM, các Vibot này đã hoạt động tại Bệnh viện Bạch Mai và Viện Quân y 108 ở Hà Nội hồi tháng 5-2021, rồi sau đó tại tâm dịch tỉnh Bắc Giang.
Ngoài những thiết bị đo thân nhiệt từ xa do một số người Việt Nam tự chế tạo, Việt Nam giờ đây cũng đã có những hệ thống đo thân nhiệt chuyên nghiệp do các hãng nước ngoài sản xuất. Hạ tuần tháng 8, hãng LG (Hàn Quốc) đã đưa vào thị trường Việt Nam thiết bị Safe Pass - giải pháp quét dò thân nhiệt không tiếp xúc giúp hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Được lắp đặt tại các cửa ra vào, với camera cảm biến nhiệt, Safe Pass có thể phát hiện những người có thân nhiệt bất thường và những ngươi không mang khẩu trang.
Bộ Y tế chấp thuận cho cá nhân tự dùng các bộ kit test nhanh, thiết bị đo nhịp tim và nồng độ ôxy trong máu (SpO2) để chủ động phòng dịch. Tất nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân phải cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị y tế cá nhân được cấp phép. Vấn đề là khai thác và ứng dụng sao cho thiết thực. Bài học của cả thế giới là việc ứng dụng tốt các tiến bộ công nghệ đã giúp cho công cuộc phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn, giảm tải rất nhiều cho nhân lực hạn chế khi dịch diễn biến phức tạp.
Đây chính là vai trò của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia do Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp tổ chức đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh hoạt động ngày 8-8-2021. Cái cần nhất vẫn là một tổng tư lệnh, nơi không chỉ tham mưu, đề xuất mà còn thống nhất các ứng dụng công nghệ, không để tự phát, rối rắm.
Bình luận (0)