Sau hơn 10 năm làm việc tại TP HCM, chị Hồ Hoàng Ngọc Điệp quyết định về quê Vĩnh Long sinh sống. Dù biết rằng thu nhập ở quê không bằng thành thị nhưng chuyện được làm việc gần nhà và sống gần người thân khiến chị như trút được áp lực cuộc sống.
"Có rau ăn rau, có cá ăn cá"
Ghé thăm Điệp vào một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi gặp chị đang lui cui ở chái bếp lo cơm nước. Thấy có khách đến thăm, chị đon đả mời vào.
Chị Điệp là mẹ đơn thân, đang sống với con gái 7 tuổi và người mẹ đã ngoài 60 tuổi. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Căn nhà của gia đình vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa để đón năm mới.
Điệp kể khi vừa tốt nghiệp THCS, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị cùng anh trai khăn gói lên TP HCM làm công nhân (CN). Khi ấy chị Điệp mới 15 tuổi, còn anh trai 17 tuổi, không đủ tiêu chuẩn xin việc. Nhờ người quen bảo lãnh, cả hai được nhận vào làm tại một xưởng gia công phụ tùng xe máy.
"Nhận tháng lương đầu tiên được hơn 2 triệu đồng, anh em mừng quá ôm nhau khóc. Thời điểm ấy, số tiền này rất lớn" - chị Điệp nhớ lại.
Mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn và có thêm cái nghề, 3 năm sau, chị Điệp xin vào làm CN tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất hàng may mặc Đông Nam (quận 6, TP HCM). Vào nhà máy công việc nhiều, tăng ca đều đặn nên cuộc sống của chị tương đối ổn định.
Chị Hồ Hoàng Ngọc Điệp bỏ phố về quê . Video: Huỳnh Như
Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp giày da, may mặc lâm vào cảnh thiếu hụt đơn hàng, công việc của chị Điệp trở nên bấp bênh. Thu nhập ngày càng teo tóp trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao khiến chị quyết định trở lại quê nhà sau nhiều năm tha hương.
Về Vĩnh Long, phải trầy trật hơn 2 tháng thì chị Điệp mới xin được việc làm mới. Công việc hiện tại cũng không ổn định, vì vậy thu nhập thấp hơn nhiều so với ở thành phố. Thế nhưng, chị lại có thời gian chăm sóc mẹ và con gái. "Ở quê có rau ăn rau, có cá ăn cá nên tôi đỡ lo lắng. Nếu chi tiêu dè sẻn thì vẫn đủ sống" - chị bày tỏ.
Thu nhập ít nhưng dễ sống hơn
Nghe người thân nhắn ở quê có nhiều nhà máy mọc lên, vợ chồng anh Nguyễn Thành Tâm - chị Nguyễn Thị Thanh Thúy quyết định về Tiền Giang làm việc. Hiện anh chị là CN tại Công ty TNHH MTV Dream Mekong (xã An Cư, huyện Cái Bè).
Trước đó, vợ chồng anh Tâm làm CN một công ty nhựa đóng tại KCN Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi, TP HCM. Nhiều năm làm việc nhưng họ chẳng tích lũy được bao nhiêu, bởi ở thành phố có hàng trăm khoản tiền phải chi như nhà trọ, điện nước, ăn uống, hiếu hỷ…
Về quê làm việc, niềm vui lớn nhất của vợ chồng anh Tâm là có nhiều thời gian chăm sóc 2 con. Tan ca, anh đón các con, còn chị đi chợ lo cơm nước. Ngoài thời gian làm việc tại công ty, chị Thúy còn có thêm nghề tay trái là bán lạp xưởng, chả lụa, cam, quýt, dừa, mận… Tối đến, anh chị tranh thủ soạn đơn cho khách.
Nhờ lấy hàng tận nơi và giá cả hợp lý nên 2 vợ chồng được nhiều khách hàng ủng hộ. "So với hồi ở thành phố thì vợ chồng tôi sống khỏe hơn" - chị Thúy so sánh.
Trong khi đó, chị Nguyễn Kim Quyên cũng quyết định về quê Bến Tre sau hơn 10 năm làm CN ở TP HCM vì mang thai đứa con thứ 2. Một phần, chị muốn về quê nhà dưỡng thai và có thời gian chăm sóc các con. Mặt khác, chi phí sinh hoạt tại TP HCM ngày càng đắt đỏ, nếu có thêm con nhỏ, vợ chồng chị khó gồng gánh.
Ở quê có sẵn mảnh vườn, vợ chồng chị Quyên tranh thủ trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc. Thời gian đầu, họ gặp không ít khó khăn do chưa biết canh tác. Nhờ chịu khó học hỏi nên công việc dần ổn định.
"Làm CN có lương cố định hằng tháng nên không phải lo nhiều. Giờ về quê trồng trọt, chăn nuôi, chúng tôi phải tính toán sao cho phù hợp. Thu nhập ở quê ít hơn nhưng dễ sống hơn tại thành phố" - chị Quyên thổ lộ. Theo chị, về quê hạnh phúc nhất là được gần gũi con cái, cha mẹ.
15,5% công nhân lựa chọn về quê
Một khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP HCM cùng Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) thực hiện với 1.000 CN tại các đô thị tập trung đông người lao động như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... cho kết quả: 15,5% lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% lưỡng lự và 39,9% chưa có dự định.
Lý do lớn nhất khiến lao động về quê là gần gia đình, thu nhập khi làm việc ở thành phố không đủ trang trải cuộc sống. Xét về hoàn cảnh, nhóm CN nhiều tuổi, có con gửi ông bà chăm sóc càng mong muốn được về quê. Lý do khác là cơ hội việc làm ở quê cũng đã tốt hơn khi nhiều tỉnh mở rộng các KCN.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)