Hơn một tháng nay, Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TPHCM), đã có đơn hàng và cho công nhân tăng ca trở lại. Mỗi ngày, công nhân được tăng ca 1,5 giờ, trừ ngày thứ bảy.
Tăng ca mệt mà vui
Nhiều tháng không được tăng ca, chị Trần Thị Cẩm Tiên, công nhân công ty chỉ nhận lương cơ bản cùng các khoản phụ cấp, tổng cộng khoảng 9 triệu đồng/tháng. Do làm lâu năm nên lương của chị cao hơn nhiều công nhân khác nhưng với mức thu nhập này chị gặp không ít khó khăn khi sống tại TP HCM do chi phí đắt đỏ.
Chị Cẩm Tiên chia sẻ trước đây, công ty được tăng ca đầy đủ, thu nhập của chị mỗi tháng được gần 11 triệu đồng. Số tiền ấy chị cân đối lo toan mọi chi phí thuê phòng trọ, tiền điện nước, ăn uống, đi lại, tiền cho con đi học… Khi tình hình sản xuất khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác, chị không được tăng ca.
"Với những công nhân lâu năm thu nhập cao thì mức thu nhập không tăng ca gói ghém lắm mới tạm đủ sống, còn với những công nhân mới vào làm thu nhập chỉ 5 - 6 triệu đồng/tháng, không tăng ca sẽ càng chật vật hơn" - chị Tiên cho hay.
Tương tự, nhiều tháng nay đồng nghiệp công ty phải ra về sớm nhưng công nhân tổ cung cấp nguyên liệu của chị Hoàng Thị Kim Huệ (Công ty TNHH Danu Vina, KCX Linh Trung I) cũng tăng ca thêm 1 giờ/ngày. Chị Huệ cho biết cả năm nay, công ty chị thiếu đơn hàng, công nhân chỉ làm việc 8 tiếng/ngày. Riêng tổ cung cấp nguyên liệu của chị thiếu người, làm không kịp nên phải tăng ca. Tính ra mỗi ngày, mỗi người trong tổ được thêm 50.000- 70.000 đồng tiền tăng ca nhưng ai cũng vui.
Chị Huệ bộc bạch: "Công nhân nhà máy ai cũng mong được tăng ca đều đặn, tuy mệt nhưng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống".
13% doanh nghiệp cắt giảm lao động
Nhiều người lao động tại TP HCM cho biết thu nhập năm 2023 giảm vì công việc bấp bênh, lúc có, lúc không. Nhiều công nhân nhà máy lâm vào cảnh bị mất hoặc giảm việc làm, không được tăng ca…
Năm 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cũng đã khảo sát gần 11.000 lượt doanh nghiệp về kế hoạch sử dụng lao động. Kết quả cho thấy có hơn 13% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã thực hiện kế hoạch cắt giảm lao động. Trong đó, hình thức cắt giảm phổ biến nhất là giảm giờ làm việc trong 1 ngày hoặc cho người lao động nghỉ luân phiên vào các ngày làm việc cuối tuần (chiếm gần 64% doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động).
Ngoài ra, có gần 19% doanh nghiệp cắt giảm lao động bằng cách tạm thời cho người lao động nghỉ việc trong 1 khoảng thời gian nhất định.
Những hình thức cắt giảm lao động nói trên đều ảnh hưởng đến thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động. Những lao động bị cắt giảm thu nhập cũng không muốn đi tìm việc mới vì sợ mất đi công việc đang có. Nhìn chung, thu nhập của một bộ phận lao động phổ thông giảm rất đáng kể.
Báo cáo tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy thu nhập bình quân của người lao động tại TP HCM tăng rất thấp, thuộc nhóm tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Theo báo cáo trên, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2023 là 7,3 triệu đồng, tăng 180.000 đồng so với quý III/2023 và tăng 444.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm 2022.
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động quý IV/2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập ở các vùng kinh tế không đồng đều.
Bình luận (0)