icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân chắt chiu từng đồng để lo cho tương lai

Thanh Nga - Huỳnh Như

(NLĐO) - Thu nhập ít ỏi, nhiều công nhân phải sống tằn tiện giữa phố thị đắt đỏ, để nuôi hy vọng về một tương lai ổn định hơn

Cuộc sống không dư dả, vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Thảo (36 tuổi, quê Đồng Nai), công nhân tại một công ty sản xuất hàng tiêu dùng ở phường Bình Đông, TP HCM đã quen với cảnh “thắt lưng buộc bụng” suốt nhiều năm. Hai vợ chồng chị có tổng thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng, trong đó 10 triệu đồng đều đặn gửi về quê để nuôi 2 con nhỏ và lo thuốc men cho cha chồng đang bệnh nặng. Số tiền còn lại chỉ vừa đủ xoay xở chi phí sinh hoạt tại thành phố.

 Chỉ mong đủ xoay xở

"Mỗi tháng, vợ chồng tôi chỉ dám chi khoảng 3-4 triệu đồng cho sinh hoạt cá nhân. Để tiết kiệm, chúng tôi ở khu lưu trú công nhân của công ty, không mất tiền thuê trọ, chỉ trả tiền điện, nước. Cũng gần như không ăn ngoài hay mua sắm gì" - chị Thảo kể.

Công nhân chắt chiu từng đồng để lo cho tương lai - Ảnh 1.

Một gia đình công nhân 3 người sống chen chúc trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đầy 15 m². Ảnh: HUỲNH NHƯ.

Không chỉ tiết kiệm trong sinh hoạt, anh chị còn tận dụng mọi hỗ trợ từ quê nhà. Cứ nửa tháng, ông bà nội lại gửi xe khách lên gạo, rau củ, cá khô… Các bữa trưa tại công ty thường khá đầy đủ, nhiều hôm ăn không hết, chị để dành phần còn lại cho bữa tối. 

Với chị Thảo, mong mỏi lớn nhất là có thể để dành mỗi tháng một khoản nhỏ làm quỹ dự phòng. "Tôi không dám mơ tích lũy lớn, chỉ mong đủ xoay xở khi có việc đột xuất như con vào năm học mới hay hiếu hỉ trong nhà" - chị Thảo bày tỏ.

Công nhân chắt chiu từng đồng để lo cho tương lai - Ảnh 2.
Công nhân chắt chiu từng đồng để lo cho tương lai - Ảnh 3.

Không ít gia đình công nhân phải xoay xở với những bữa cơm đạm bạc hằng ngày, chỉ thỉnh thoảng mới dám nấu một bữa ăn tươm tất như một dịp “đổi vị” hiếm hoi. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Khác với vợ chồng chị Thảo, anh Phan Văn Đông (32 tuổi, quê Quảng Ngãi), công nhân cơ khí tại một công ty nhựa ở quận Bình Tân, lại chọn cách đầu tư cho tương lai bằng việc học nghề mới. Sau ca làm từ 7 giờ đến 17 giờ, anh vội ăn bữa xế rồi chạy đến lớp học sửa chữa điện lạnh tại phường Hòa Hưng. Lớp kéo dài đến gần 21 giờ, có hôm về đến phòng trọ đã gần 22 giờ. Dù vất vả, anh vẫn kiên trì theo học.

Gắn bó với nghề cơ khí gần 10 năm, anh Đông thấm thía giới hạn của lao động phổ thông, bởi công việc nặng nhọc, thu nhập bấp bênh, tuổi càng lớn càng khó trụ. "Tôi từng nghĩ đến việc làm bảo vệ cho đỡ cực, nhưng rồi nhận ra nếu không nâng cấp tay nghề, mình sẽ mãi quanh quẩn với những công việc tay chân, lương thấp. Học sửa điện lạnh tuy khó nhưng có nghề rồi thì dễ xin việc, thậm chí có thể nhận làm riêng để tăng thu nhập" - anh Đông nói.

Công nhân chắt chiu từng đồng để lo cho tương lai - Ảnh 4.
Công nhân chắt chiu từng đồng để lo cho tương lai - Ảnh 5.

Không ít công nhân tranh thủ làm thêm hoặc học nghề ngoài giờ để tích lũy và tìm kiếm cơ hội tốt hơn trong tương lai. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Với học phí gần 15 triệu đồng cho khóa học 7 tháng, anh phải lên kế hoạch tiết kiệm từ sớm. Mỗi tháng, anh Đông dành gần 1 triệu đồng đóng học phí, xem đây như một khoản đầu tư bắt buộc cho tương lai.

Công nhân chắt chiu từng đồng để lo cho tương lai - Ảnh 6.

Con cái là động lực lớn nhất để nhiều công nhân vượt qua khó khăn, chắt chiu cho một tương lai tốt đẹp hơn. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Giảm tối đa các khoản chi

Thực tế, phần lớn công nhân hiện nay vẫn chủ yếu sống nhờ vào lương cơ bản, phụ cấp và tiền tăng ca. Dù làm thêm đều đặn, thu nhập mỗi tháng cũng chỉ vừa đủ trang trải chi phí thiết yếu. 

Trong bối cảnh giá cả leo thang, cuộc sống tại các đô thị ngày càng chật vật, buộc nhiều gia đình công nhân phải xoay xở đủ cách, luôn trong trạng thái “giật gấu vá vai” để đối phó với các khoản phát sinh.

Để không thiếu trước hụt sau, họ buộc phải cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu cá nhân: gần như không mua sắm, không giải trí, không ăn uống bên ngoài… 

Ưu tiên tài chính hàng đầu vẫn là lo cho con ăn học, thuốc thang cho người thân và nếu có thể, để dành một khoản nhỏ làm quỹ dự phòng. Gánh nặng chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn, từ tiền trọ, điện nước, thực phẩm đến học phí khiến cuộc sống càng thêm áp lực. Trong guồng quay mưu sinh ấy, bài toán thu - chi đối với công nhân chưa bao giờ là dễ giải.

Theo khảo sát do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong tháng 3 và 4-2025 với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, thành phố, có 55,5% người lao động cho biết họ đủ điều kiện để có thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính trong ngày (không tính bữa ăn ca tại doanh nghiệp).

Về khả năng chi tiêu, 54,9% cho hay thu nhập hiện tại chỉ vừa đủ để trang trải chi phí cơ bản; 26,3% phải sống tằn tiện, kham khổ; đáng chú ý, 7,9% không đủ sống, buộc phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập. Những con số này phản ánh rõ áp lực tài chính mà người lao động đang đối mặt, cũng như khoảng cách giữa mức lương hiện tại và nhu cầu sống tối thiểu tại các đô thị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo