Từng là lực lượng chủ lực trong các nhà máy, nhiều công nhân ngoài 40 tuổi giờ đây lại đối mặt nguy cơ bị gạt ra bên lề thị trường lao động.
Sức khỏe giảm sút, không còn đủ dẻo dai để tăng ca, trong khi doanh nghiệp ngày càng ưu tiên lao động trẻ, nhanh nhẹn, dễ đào tạo và ít chi phí hơn... là những vấn đề công nhân ngoài 40 tuổi đối mặt.
Ở lại thì lo bị sa thải, bị điều chuyển sang những vị trí kém ổn định, thu nhập thấp. Rời đi lại chẳng dễ, vì tuổi tác trở thành rào cản lớn khi tìm việc mới. Chuyển nghề cũng không khả thi khi họ thiếu thời gian, tài chính lẫn cơ hội.
Giữa vòng xoáy mưu sinh và áp lực gia đình, không ít công nhân trung niên rơi vào cảnh bấp bênh, lặng lẽ đối mặt với nỗi lo không tên. Nhiều người chua chát thừa nhận: "Nghỉ việc thì không sống nổi mà bám trụ thì cạn sức".

Ở lại thì lo bị đào thải, ra đi lại không biết bấu víu vào đâu là tâm trạng chung của nhiều công nhân ngoài 40 tuổi. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Anh Lê Hoàng Khánh (SN 1983, quê Tây Ninh) đến TP HCM lập nghiệp từ năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi. Nhờ người quen giới thiệu, anh xin vào làm công nhân tại một công ty sản xuất nhựa ở phường Phú Định và gắn bó suốt hơn 20 năm qua.
Lúc mới vào nghề, anh Khánh là một trong những người năng nổ nhất xưởng. Anh sẵn sàng tăng ca liên tục, làm cả ngày lẫn đêm mà không biết mệt. Nhưng giờ đây, ở tuổi 42, anh bắt đầu cảm nhận rõ sự xuống sức khi đau lưng, hoa mắt, chóng mặt ngày càng thường xuyên, chỉ cần đứng vài tiếng là tay chân rã rời.
Năng suất sụt giảm, trong khi máy móc ngày càng hiện đại, yêu cầu thao tác nhanh và chính xác khiến anh nhiều lần bị quản lý nhắc nhở vì làm chậm.


Giữa vòng xoáy mưu sinh và áp lực gia đình, nhiều công nhân trung niên rơi vào cảnh bấp bênh, âm thầm đối mặt với những nỗi lo không tên. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Dù mệt mỏi, anh Khánh vẫn không dám nghỉ việc. Vợ anh là công nhân may, hai con nhỏ ở quê đang tuổi ăn học, gửi ông bà chăm nom. Mỗi tháng, vợ chồng anh đều phải gửi về 5-6 triệu đồng trang trải chi phí sinh hoạt và học hành cho con. "Chỉ cần một người mất việc là cả nhà chật vật ngay" – anh Khánh nói.
Anh từng nghĩ đến việc chuyển nghề, như học sửa điện dân dụng hoặc lái xe công nghệ, nhưng lại vướng đủ thứ như không có tiền đóng học, không có thời gian học vì làm ca liên tục... Hơn hết, ở tuổi ngoài 40, chuyện học hành với anh đã không còn dễ dàng.
Về quê cũng không phải là phương án khả thi khi công việc ổn định gần như không có. Bởi vậy, dù sức khỏe sa sút, anh vẫn cố bám trụ.


Không ít người lao động lớn tuổi kỳ vọng có thêm những chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, chi phí phù hợp, tổ chức ngoài giờ làm để họ có cơ hội chuyển hướng nghề nghiệp khi không còn trụ được với công việc hiện tại. Ảnh: HUỲNH NHƯ
"Công ty giờ chỉ tuyển người trẻ. Những người lớn tuổi như tôi bị điều sang các khâu phụ, công việc nhẹ hơn nhưng lương cũng thấp hơn. Không ai nói thẳng nhưng ai cũng hiểu doanh nghiệp đang âm thầm trẻ hóa lực lượng" - anh Khánh ngậm ngùi.
Anh Khánh cho hay cảm giác bị gạt ra rìa rất rõ trong khi mình vẫn làm tốt, chấp hành nội quy, không vi phạm gì. Người trẻ mới vào thì được xếp vào dây chuyền chính còn những công nhân lớn tuổi như anh thì dần bị đẩy ra sau. Đi không được, ở chẳng xong. Muốn rẽ hướng thì không đủ điều kiện, mà ở lại thì ngày càng hụt hơi với guồng quay nhà máy.

Nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ lớn tuổi lo ngại bị đào thải. Ảnh: THANH NGA
Tương tự, ở tuổi 47, chị Võ Thị Kim Ngọc, công nhân tại một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Tân Bình (phường Tân Bình), cũng đang chật vật với nỗi lo cơm áo.
Gắn bó với công ty hơn 10 năm, từng có thời điểm chị cảm thấy cuộc sống tạm ổn. Những năm trước dịch COVID-19, đơn hàng dồi dào, chỉ cần chăm chỉ tăng ca hoặc mang hàng về nhà may thêm, cộng với tiền công giao hàng của chồng, mỗi tháng gia đình chị vẫn để dành được chút ít.
Thế nhưng 4 năm trở lại đây, công ty rơi vào khó khăn, tăng ca gần như không còn, nhiều thời điểm phải cắt giảm giờ làm, cho nhân viên nghỉ luân phiên.
Thu nhập của chị giảm gần một nửa, còn khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm đến đâu cũng chỉ đủ ăn, không còn khoản dư để phòng thân. Nỗi lo lớn nhất của chị lúc này là con gái đang học lớp 12, sắp bước vào đại học - một chặng đường đầy áp lực chi phí mà vợ chồng chị chưa biết xoay xở từ đâu.
"Lương thấp nên hai vợ chồng cũng tính nghỉ làm để chuyển sang buôn bán nhưng không có vốn, không có kinh nghiệm nên rất khó. Tuổi lớn rồi, muốn xin việc khác cũng không dễ, chứ đừng nói công việc nào có thu nhập khá hơn. Vậy nên tôi cứ cố bám trụ tại công ty suốt mấy năm nay, dù có tháng lương chưa tới 5 triệu đồng. Chỉ mong công ty làm ăn khá lên để đời sống đỡ bấp bênh" - chị Ngọc ngậm ngùi
Giữa tháng 6-2025, với 455/459 đại biểu tán thành (đạt 99,12%), Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 8 chương, 55 điều, quy định các nội dung về tạo việc làm, đăng ký lao động, phát triển kỹ năng nghề, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.
Điểm mới đáng chú ý trong lần sửa đổi này là lần đầu tiên luật đề cập chính sách riêng cho người lao động cao tuổi - nhóm đối tượng ngày càng gia tăng trong bối cảnh già hóa dân số nhanh tại Việt Nam.
Theo Điều 14 luật trên, người cao tuổi sẽ được hỗ trợ theo ba hướng gồm tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc hiện có; tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng nếu muốn tiếp tục làm việc; được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận tay nghề, tạo thuận lợi trong quá trình xin việc hoặc chuyển nghề.
Đặc biệt, luật cũng đặt ra định hướng dài hạn, đó là nhà nước sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề cho người cao tuổi, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách.
Đây là lần đầu tiên yếu tố già hóa dân số được xác định là căn cứ quan trọng trong hoạch định chính sách việc làm, thể hiện bước tiến mới trong tư duy lập pháp về lao động.
Bình luận (0)