Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cần nắm bắt, ghi nhận những kiến nghị của NLĐ để giải đáp và có giải pháp nhằm tháo gỡ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
Tại buổi đối thoại, có 18 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các đoàn viên Công đoàn, CNVC-LĐ liên quan đến các vấn đề: Nhà ở cho NLĐ có thu nhập thấp; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; giám sát việc ký kết hợp đồng lao động để NLĐ không bị thiệt thòi quyền lợi...
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lân, đoàn viên Công đoàn Công ty CP Thép ASEAN, cho biết thu nhập của công nhân (CN) còn thấp, trong khi giá nhà đất quá cao. Chị Lân đề nghị chính quyền tỉnh Đắk Lắk có chính sách xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở giá rẻ bán trả góp hoặc cho CN vay lãi suất thấp để mua nhà.
Trả lời kiến nghị này, đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết toàn tỉnh hiện nay có 11 dự án đầu tư xây dựng NƠXH đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí hơn 38 ha với tổng số gần 5.000 căn. Trong đó, 5 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số 2.423 căn. UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai xây dựng 1.200 căn NƠXH năm 2024 thuộc Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, CN KCN giai đoạn 2021-2030". Các đối tượng mua NƠXH sẽ được tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua NƠXH, nhà ở cho CN của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk.
Bà Bùi Thị Linh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cao su Đắk Lắk, cho biết CN trực tiếp tại nhà máy sản xuất sợi chỉ thun thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại hóa chất, khói bụi nhưng chưa được hưởng các chế độ công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này khiến họ bị thiệt thòi.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tháng 12-2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) có văn bản đề nghị góp ý dự thảo thông tư nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Từ thực tế địa phương, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị đưa nghề, công việc "chế biến chỉ thun" vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên đến nay, Bộ LĐ-TB-XH chưa ban hành thông tư bổ sung danh mục nên NLĐ tiếp tục phải chờ.
Ngoài nhà ở và chế độ dành cho CN làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng cũng đã giải đáp một số thắc mắc, vướng mắc của đoàn viên - lao động liên quan đến việc làm, thu nhập. Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh cũng tặng 100 suất quà cho NLĐ trên địa bàn.
Bình luận (0)