Trước đó, từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại quả đồi lớn thuộc địa bàn thôn 6B và ghi nhận hoạt động khai thác đá diễn ra rầm rộ.
Khai thác rầm rộ
Thời điểm này, phóng viên ghi nhận một quả đồi cao hàng trăm mét đã được đào bạt 1 bên với hàng ngàn m3 đất được chở xuống phía dưới. Trên khu vực gần đỉnh đồi, nhiều xe ben, máy xúc đang chở đá xuống chân đồi. Tại đây, 1 hệ thống máy móc đang xay đá ầm ĩ, bụi bay mù mịt. Để tiện cho hoạt động khai thác đá, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) cũng san ủi 1 đoạn đường dài dẫn từ đường lớn vào quả đồi. Điều đáng nói, Tập đoàn Sơn Hải vẫn chưa có đầy đủ các thủ tục để khai thác đá nhưng vẫn ngang nhiên bạt đồi, nổ mìn khai thác đá từ lâu nhưng cơ quan chức năng không xử lý?
Từ phản ánh của phóng viên, UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo UBND xã Ea Păl kiểm tra. Theo biên bản của đoàn kiểm tra, khi đoàn kiểm tra hỏi về hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đơn vị này chỉ cung cấp được quyết định sửa đổi, bổ sung của UBND tỉnh Đắk Lắk về phê duyệt quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng.
Về hồ sơ xin thuê đất, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết đang tiến hành làm thủ tục. Kiểm tra hiện trạng cho thấy Tập đoàn Sơn Hải đã bóc phong hóa bề mặt 4,4 ha. Đồng thời, các phương tiện đang hoạt động khai thác, làm đường.
Còn theo UBND huyện Ea Kar, hiện Tập đoàn Sơn Hải đang hoạt động khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá thôn 6B khi chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định. Do đó, UBND huyện Ea Kar đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Sơn Hải dừng hoạt động khai thác.
Về câu hỏi khu vực khai thác của Tập đoàn Sơn Hải có bao nhiêu diện tích rừng, đất lâm nghiệp và đã được chuyển đổi mục đích sử dụng hay chưa, đại diện Phòng TN-MT huyện Ea Kar không phản hồi.
Người dân "kêu trời"!
Ông Nguyễn Xuân Bình (SN 1961, thôn 6B) cho biết từ ngày các doanh nghiệp vào địa bàn mở đường, khai thác đá, gia đình ông luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng. Nhà ông Bình cách công trường khai thác đá của Tập đoàn Sơn Hải khoảng 300m nhưng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề.
"Hôm trước có 2 đứa cháu vào chơi. Khi đang ăn cơm thì Tập đoàn Sơn Hải nổ mìn phá đá. Lúc này, tiếng nổ lớn làm rung chuyển nhà, chén đĩa trên bàn ăn rơi xuống đất. Bất ngờ trước tiếng nổ đinh tai, rung chuyển, 2 đứa cháu tưởng có chuyện gì nên hốt hoảng bỏ chạy ra khỏi nhà. Liền sau đó, một số vị trí tường nhà nứt nẻ" – ông Bình kể lại.
Nghiêm trọng hơn, gia đình ông Hoàng Đình Hiếu chỉ cách khu vực khai thác đá của Tập đoàn Sơn Hải hơn 100m. Đứng ở đây, chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh công trường khai thác đá, từng cơn gió cuốn theo bụi đá trùm lên nhà cửa, cây trồng của gia đình ông Hiếu.
"Mấy sào đất trồng cây ăn quả của tôi giờ chịu ảnh hưởng bởi khói bụi bay từ mỏ đá và xe trọng tải lớn, gây thiệt hại về kinh tế. Căn nhà cấp 4 của vợ chồng vốn xuống cấp nay có thể đổ sập bất kỳ lúc nào nếu nổ mình với khối lượng lớn. Tôi mong cơ quan chức năng có phương án bồi thường, hỗ trợ để gia đình tôi di dời đến nơi khác sinh sống" - ông Hiếu đề nghị.
Ngày 22-3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản xác nhận khu vực khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng (mỏ đá) của Tập đoàn Sơn Hải tại thôn 6B.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp theo dõi, hướng dẫn Tập đoàn Sơn Hải thực hiện các thủ tục khai thác mỏ đá, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ, Bộ TN-MT. Giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp hướng dẫn Tập đoàn Sơn Hải thực hiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có).
Giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn theo dõi, giám sát hoạt động khai thác đá của Tập đoàn Sơn Hải đúng phạm vi, khối lượng, mục đích khai thác phục vụ gói thầu số 1 (dự án thành phần 3 của đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột). Chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan hữu quan và UBND tỉnh về việc mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho dự án…
"Trước khi tiến hành bóc tầng phủ để khai thác khoáng sản phải hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định (nếu có). Thực hiện các thủ tục về đất đai theo hướng dẫn của Bộ TN-MT. Tuyệt đối không được tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai theo quy định…" - văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu.
Thế nhưng Tập đoàn Sơn Hải vẫn tiến hành khai thác đá khi chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết.
CLIP: Bạt đồi, khai thác đá làm cao tốc khi chưa được cho thuê đất!
Bình luận (0)