Mới đây, Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT - TT) Công an TP Thủ Đức, Đội CSGT - TT Công an quận 12, Đội CSGT - TT Công an huyện Hóc Môn (TP HCM)... đã phối hợp công an địa phương vào nhiều trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để kiểm tra các bãi giữ xe.
Kiểm tra bất ngờ
Việc kiểm tra bất ngờ của tổ công tác, trong đó có CSGT, nhận được sự đồng tình của đa số người dân trong bối cảnh nhiều vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến học sinh (HS) đi xe máy.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến thắc mắc rằng tại sao CSGT lại vào bãi giữ xe ở trường để kiểm tra? Căn cứ vào quy định nào để kiểm tra, xử phạt HS?...
Theo Phòng CSGT Công an TP HCM ngày 21-12-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi HS trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường THPT; công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường THCS, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của HS, nhất là tại các bãi giữ xe trong trường, khu vực cổng trường.
Ngày 24-9-2024, Cục CSGT Bộ Công an ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi HS trên địa bàn cả nước.
Căn cứ các quy định trên, Phòng CSGT Công an TP HCM đã triển khai thực hiện việc kiểm tra. Như vậy, CSGT hoàn toàn có thể xử phạt các hành vi vi phạm của HS. Việc CSGT vào bãi giữ xe ở trường để kiểm tra nhằm tránh sự nguy hiểm cho HS khi xảy ra xung đột, đồng thời để cho thấy một phần trách nhiệm của nhà trường.
Ông Lê Thanh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức), cho biết nhà trường hoàn toàn ủng hộ việc CSGT vào trường kiểm tra xe của HS. Theo ông Hiếu, đầu mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức cho HS, phụ huynh cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không được điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi…
Đơn vị trông giữ xe cũng phải thực hiện cam kết không nhận giữ xe phân khối lớn đối với HS.
Dù vậy, theo ông Hiếu, hiện nay nhà trường cũng có băn khoăn là hiện có một số xe máy điện không phân biệt được thuộc loại xe phân khối nhỏ hay xe phân khối lớn.
Bà Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), cho biết trong ngày 21-10, lực lượng CSGT vào trường kiểm tra việc chấp hành quy định Luật Giao thông đường bộ của HS. Tại thời điểm kiểm tra, đã phát hiện 3 xe phân khối lớn tại trường nhưng đây là những xe của HS lớp 12 và các em đủ tuổi, có bằng lái xe theo quy định.
Theo bà Hồng Anh, việc CSGT vào trường kiểm tra xe là chủ trương phù hợp. Lâu nay, các trường đều buộc phụ huynh ký cam kết, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về Luật Giao thông đường bộ nhưng vẫn còn tình trạng HS vi phạm.
"Việc CSGT vào tận trường kiểm tra có tính giáo dục mạnh mẽ, nghiêm khắc. Đây là biện pháp mang tính thực tiễn để HS nghiêm túc thực hiện. Khi CSGT vào trường ngay giờ tan tầm, nhiều phụ huynh tận mắt chứng kiến cũng là biện pháp để phụ huynh thấy được trách nhiệm của mình khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển" - bà Hồng Anh nói thêm.
Xử nghiêm kết hợp tuyên truyền
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, việc lực lượng CSGT vào trường học kiểm tra, xử lý các trường hợp HS vi phạm về trật tự an toàn giao thông là có cơ sở.
Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến việc dạy của nhà trường và việc học của HS, công tác kiểm tra của cơ quan chức năng chỉ nên thực hiện sau khi lực lượng công an các cấp đã thực hiện xong khâu phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục cho các em HS và phụ huynh để các em HS và phụ huynh có thể nắm rõ được quy định của pháp luật, tránh để xảy ra vi phạm do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.
Đồng thời, việc xử lý vi phạm cần áp dụng chế tài xử lý linh hoạt kết hợp với tuyên truyền, giáo dục các em HS nhằm vừa bảo đảm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, vừa không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi HS.
PGS-TS Trương Văn Vỹ - chuyên gia xã hội học tội phạm, giảng viên Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG TP HCM - đồng tình việc lực lượng CSGT cùng công an địa phương vào trường học để kiểm tra xe máy. Việc kiểm tra là để tăng cường ý thức, tuân thủ pháp luật hơn nữa cho các em HS, phụ huynh, nhà trường.
Về một số phụ huynh chưa đồng tình, PGS-TS Trương Văn Vỹ nhìn nhận có lẽ là do tâm lý nuông chìu con hoặc lo sợ thiệt hại về tài chính.
"Biết rằng việc kiểm tra ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường học đường nhưng đây là điều nên làm. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cần làm sao cho phù hợp với tâm lý của các em HS như nhẹ nhàng nhắc nhở, tuyên truyền phù hợp để các em hiểu" - PGS-TS Trương Văn Vỹ nói.
Đồng tình
Chứng kiến việc CSGT kiểm tra, xử phạt các trường hợp HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tôi đồng tình.
Thực tế, việc HS điều khiển xe máy trên 50 phân khối đến trường đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Nhiều em chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái, lại thiếu kinh nghiệm điều khiển xe, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Những vụ va chạm, tai nạn liên quan đến HS thời gian qua đã để lại những hậu quả đau lòng, không chỉ ảnh hưởng đến các em mà còn gây ra nỗi lo lắng cho gia đình và xã hội.
Động thái mới của lực lượng chức năng giúp các em ý thức hơn về việc chấp hành luật giao thông. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các em được hướng dẫn, tư vấn về cách điều khiển xe an toàn, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của các em. Là một phụ huynh, tôi luôn mong muốn con mình được an toàn. Vì vậy, tôi sẵn sàng cùng với nhà trường và các cơ quan chức năng giáo dục các em về ý thức chấp hành luật giao thông.
Việc CSGT vào trường để kiểm tra, xử phạt HS vi phạm luật giao thông là một biện pháp cần thiết và hợp lý. Đây là cách để bảo vệ sự an toàn của các em, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, trật tự.
Nguyễn Hưng
Bình luận (0)