Ngày 3-1, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Tập đoàn CT Group vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao ĐBSCL, đó là tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP.
Theo đề xuất của CT Group, dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tổng chiều dài khoảng 174 km, bao gồm 12 ga, chạy cả tàu khách và tàu hàng với tổng mức đầu tư khoảng 9,98 tỉ USD. Dự án đi qua địa phận 6 tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.
CT Group dự kiến bắt tay với Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng Công ty Công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) để hình thành 1 liên doanh đầu tư có tên là Liên doanh tàu điện tốc độ cao ĐBSCL (CMEX) để nhận gói hỗ trợ tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc, Cơ quan Phát triển Pháp.
Ngoài doanh thu từ hoạt động vận tải hàng khách và hàng hoá, CMEX dự kiến hoàn vốn đầu tư cho dự án bằng việc thực hiện phát triển đô thị theo mô hình Green TOD.
Trong đó, mỗi nhà ga sẽ là công trình hiện đại mang bản sắc riêng của mỗi tỉnh với 5 bán kính khác nhau lần lượt từ 500 - 10.000 m, bắt đầu từ vành đai thương mại dịch vụ trong bán kính 500 m đến các khu dân cư, khu công nghệ; logistic và nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng đô thị xanh, đồng bộ với sự phát triển tại địa phương.
CT Group cam kết hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 6 tháng đầu năm 2024 để trình phê duyệt; đồng thời cam kết huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành dự án trước năm 2032.
Bình luận (0)