Cù lao Bạch Đằng tại TP Tân Uyên là vùng đất hiếm hoi ở Bình Dương không có nhà máy, không có nước thải công nghiệp. Theo định hướng, đây là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái thân thiện với thiên nhiên, môi trường và trở thành một biểu tượng xanh tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương.

Cù lao Bạch Đằng nhìn từ trên cao
Quả ngọt từ nông nghiệp xanh
Xã Bạch Đằng có diện tích chỉ khoảng 1.100 ha, được bao bọc bởi con sông Đồng Nai hiền hòa. Toàn xã có gần 500 hộ trồng bưởi với diện tích trên 400 ha, mỗi năm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan vườn cây ăn trái.
Nhắc đến cù lao Bạch Đằng, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu bưởi Bạch Đằng đã nổi tiếng khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế cũng đón nhận tích cực. Năm 2011, thương hiệu bưởi Bạch Đằng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 5 loại, gồm: Bưởi đường lá cam, bưởi da xanh, bưởi ổi, bưởi hồng và bưởi da láng, do Hội Nông dân xã sở hữu. Trong đó, bưởi đường lá cam ở vùng đất này tuy trái rất nhỏ, mỗi quả trung bình 1-1,3 kg nhưng nức tiếng thơm ngon, vỏ mỏng, nhiều nước, vị ngọt có hậu chua nhẹ.
Tại xã Bạch Đằng, gia đình ông Dương Văn Minh - ngụ ấp Điều Hòa - là một trong những hộ dân tiên phong trong việc sản xuất hữu cơ. Để có được những trái bưởi ưng ý, ông đã đầu tư công sức, chăm sóc kỹ lưỡng theo hướng hữu cơ, ưu tiên thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh nên không có dư lượng hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật.
Để tăng thu nhập cho người trồng bưởi, ông Minh đã đứng ra vận động người dân địa phương thành lập tổ hợp tác, nay là HTX Bưởi Bạch Đằng. Đến nay, các sản phẩm như tinh dầu bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi... của HTX đã được đăng ký nhãn hiệu "Hai Dương". HTX còn xúc tiến xây dựng quy trình, đăng ký thủ tục để phân phối sản phẩm tại hệ thống siêu thị và sàn thương mại. Sản phẩm của HTX được cam kết sản xuất theo chuỗi an toàn từ nhà vườn đến thu hoạch, chế biến.

Sản phẩm từ vườn bưởi của ông Dương Văn Minh ở xã Bạch Đằng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao
Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng, cho biết ngoài vườn bưởi của ông Minh có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, địa phương còn có 10 hộ trồng bưởi đạt chứng nhận VietGAP.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, xã Bạch Đằng định hướng trồng bưởi theo mô hình đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP. Xã đã xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng cho người dân; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện mô hình phát triển du lịch sinh thái vườn; đào tạo, xây dựng thế hệ nông dân thông minh...
"Làng thông minh" đầu tiên
Ngày 2-10-2020, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án thực hiện thí điểm "làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng. Đây là "làng thông minh" đầu tiên trên cả nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh của tỉnh Bình Dương.
Với đề án này, Bạch Đằng không chỉ là xã nông thôn mới kiểu mẫu mà còn là nơi tiên phong chuyển đổi số, hướng đến phát triển nông nghiệp số và công dân số ở khu vực nông thôn. Đây cũng là nơi hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bền vững; là điểm đến ấn tượng trong hành trình du lịch sinh thái khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, mục tiêu của đề án là biến xã Bạch Đằng thành nơi phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh của Bình Dương. TP Tân Uyên đang tập trung nguồn lực nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, kết hợp tham quan du lịch với sản xuất nông nghiệp; cải tạo hệ thống hạ tầng khung phục vụ nông nghiệp và du lịch... ở cù lao này.
"Làng thông minh" được áp dụng những ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường. Các hạng mục điển hình được xây dựng ở đây là hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, camera an ninh, cây xanh hai bên đường giao thông…
Thực hiện đề án này, các đơn vị đang lắp đặt 35 điểm WiFi tốc độ cao miễn phí tại UBND xã Bạch Đằng, Trung tâm Văn hóa thông tin - Học tập cộng đồng, văn phòng ấp, hoa viên, khu dân cư tập trung. Để tăng cường giám sát an ninh, toàn xã sẽ lắp đặt camera ở 30 điểm và 39 "mắt thần" ở các nút giao thông quan trọng.
Về sản xuất, xã Bạch Đằng đang triển khai thực hiện đề tài cấp cơ sở "Mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử và liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn" để từng bước thay đổi phương thức canh tác của người dân. Xã còn phối hợp triển khai các dự án phát triển sản xuất lồng ghép với dự án đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm cây ăn trái và ứng dụng truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng sản phẩm.
Người dân xã Bạch Đằng được hỗ trợ thông tin sản xuất nông nghiệp đến tận vườn. Họ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn trong sản xuất để tiến tới xây dựng mô hình HTX số và từng bước triển khai một số dịch vụ kinh tế số.
Tiền đề hình thành sản phẩm du lịch đặc thù
Lễ hội "Hương bưởi Bạch Đằng" lần thứ III năm 2024 đã được tổ chức từ ngày 25 đến 28-1 tại ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng. Đây là tiền đề cho TP Tân Uyên phát triển loại hình du lịch dã ngoại kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, hình thành một sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Lễ hội "Hương bưởi Bạch Đằng" có nhiều hoạt động như: trưng bày các loại bưởi, trái cây có múi và những loại nông sản tiêu biểu; giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm từ trái bưởi, cây bưởi kiểng chưng Tết; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi đạt chuẩn VietGAP; giới thiệu vật tư nông nghiệp sạch dùng để chăm sóc bưởi và các loại cây có múi...
Bình luận (0)