xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cửa chiền là cửa gì?

Lê Minh Quốc

Nguồn gốc của từ chiền/ cửa chiền chính là từ thiền/ cửa thiền, nói cách khác nghĩa là cửa chùa

Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,

Cũng đòi học nói nói không nên.

Ai về nhắn nhủ phường lòi tói,

Muốn sống đem vôi quét trả đền.

Bài thơ này của bà Hồ Xuân Hương đã "đóng đinh" trong trí nhớ nhiều thế hệ, có thể khái quát cho sự phê phán, mỉa mai những ai chữ nghĩa ất ơ, đựng không đầy lá mít nhưng lại vung tay múa bút khoe chữ ở nơi trang nghiêm, thờ tự. Về chữ nghĩa, ta hiểu sao về từ "chiền"? Thử tra lại tự điển xưa nay liệu chừng có giúp được gì không?

"Từ điển Annam - Latinh" của Taberd (1877), bản không chữ Nôm cho biết "chiền" cũng là "hứng". Từ điển này ghi nhận hứng với các từ: "hứng chiền, hứng lấy việc, thưa hứng, thừa hứng, hứng vui/ hứng mầu, hứng chuyện". Với các từ "hứng vui/ hứng mầu", ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: "Vui, lấy làm vui, xui khiến lòng vui".

Cửa chiền là cửa gì?- Ảnh 1.

Cửa thiền, nói cách khác nghĩa là cửa chùa (Ảnh minh hoạ từ Internet)

"Từ điển Việt-Bồ-La" (1651) giải thích: "Hứng nước: Lấy nước từ mái nhà, cây cối và những vật tương tự. Hứng gạo: Làm sạch gạo để hứng nó bằng chiếc bình đặt ở dưới. Hứng, đàng hứng: Khạc ra. Có người nói hớng". Trong chừng mực nào đó, "hứng" cũng gọi là "hấng", "Việt Nam tự điển" (1931) ghi nhận: "Hấng là dùng tay hay vật gì mà đỡ lấy vật ở trên cao rơi xuống: Hứng nước mưa; nghĩa bóng là chịu lấy, nhận lấy: hấng lấy việc mà làm". Không những thế, "hứng" còn là "hóng", "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) giải thích: "Hấng gió: Hóng gió, làm cho bọc gió".

Rõ ràng, các nghĩa này không thể dùng để giải thích từ "chiền/ cửa chiền". Vậy, ta có thể ngờ ra rằng, biết đâu "chiền" trong ngữ cảnh này là nói tắt của từ "chiền chiền"? Từ này, "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) không ghi nhận nhưng người xưa đã sử dụng, thí dụ: "Hai bên giáp mặt chiền chiền/ Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay" (Truyện Kiều), "Cái gương nhân sự chiền chiền/ Liệu thân này với cơ thiền phải nao" (Cung oán ngâm khúc). Chiền chiền nghĩa là tỏ, rõ, rành rành, sờ sờ ra đó.

Không dừng lại ở đây, tại sao ta không phỏng đoán "chiền/ cửa chiền", có thể chính là "chiềng"? Chiềng là giềng, là mối dây như ta thường nghe đến từ "giềng mối", khi nói "ba giềng" là hiểu theo nghĩa mà "Đại Nam quấc âm tự vị" cho biết: "Ba lẽ hằng, là quân thần, phụ tử, phu phụ" - nói nôm na chính là mối quan hệ chính yếu trong đối nhân xử thế như đạo vua tôi, cha con, vợ chồng.

Vậy, trong các vở tuồng cổ, lúc nhân vật thằng mõ xuất hiện thường rao câu: "Chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ tây đông" thì chiềng nghĩa là gì? Phải nói ngay rằng, câu "chiềng làng chiềng chạ" là hai vế đối xứng nhau, bởi "chạ" cũng đồng nghĩa với "làng" - như tục ngữ có câu: "Làng trên, chạ dưới". Trong bài "Văn tế mẹ", nhà thơ Nguyễn Khuyến đã viết: "Rầy nhân: Tiết đến lễ thường; Lễ theo thói chạ" - tức là người đã khuất luôn làm theo lề thói của làng, không du di, thay đổi, cũng đúng thôi bởi xưa nay "Đất có lề, quê có thói". Chạ trong ngữ cảnh này hoàn toàn không dây mơ rễ má gì đến nghĩa chỉ sự chung chạ, hỗn tạp, lẫn lộn, bừa bãi, thí dụ: "Ăn chung ở chạ", "Chồng chung vợ chạ, ai khéo hầu hạ thì được chồng riêng"…

Khi thằng mõ rao: "Chiềng làng chiềng chạ" thì "chiềng" có nghĩa là "trình", là trình thưa có lễ phép, chẳng hạn: "Ngập ngừng sinh mới thưa chiềng:/ Lẽ chung đành vậy, tình riêng sao mà" (Hoa tiên), "Sáng rồi, gà gáy o o / Chiềng anh thức dậy mà lo học hành" (ca dao)…

Rõ ràng, các nghĩa này cũng không thể dùng để giải thích từ "chiền/ cửa chiền". Vậy, chiền là gì? Hỏi một cách nghiêm túc như thế, không chỉ với cửa chiền, ta còn cách nói chùa chiền, chợ búa, chó má, heo cúi... Mà, khổ nỗi, từ sau đã phai nghĩa nên dù nói là thế nhưng nghĩa cụ thể ra làm sao cũng khó giải thích rành rạch.

Xin thưa, "chiền" chính là "thiền" mà ra.

"Việt Nam tự điển" (1931) cho biết: "Chiền già. Xem thiền già". Già ở đây là nói tắt của từ "già lam" nhằm chỉ về nhà chùa, như: "Có người đàn việt sang chơi cửa già" (Truyện Kiều), "Cây kề cửa động, hoa leo mái già" (Sơ kính tân trang); khi nói "già chiền": "Đem thân đài các mà nương già chiền" (Phan Trần); hoặc nói "chiền già": "Chàng từ trở gót chiền già" (Sơ kính tân trang) thì cũng đều có nghĩa là chùa / chùa chiền.

Về từ "thiền", tự điển này giải thích: "Thiền: Tiếng nhà Phật, dịch theo âm chữ dyana. Yên lặng và nghĩ ngợi: Tham thiền, Đạo thiền"; "Thiền gia: Người tu đạo Phật: Trong thiền gia có nhiều người siêu việt"; "Thiền môn: Cửa chùa. Nương chốn thiền môn"… "Tầm nguyên tự điển Việt Nam" của Lê Ngọc Trụ cũng cho biết "Thiền - thuộc về nhà chùa; (chùa) chiền".

Như vậy, nguồn gốc của từ chiền/ cửa chiền chính là từ thiền/ cửa thiền, nói cách khác nghĩa là cửa chùa. Vậy khi nói "chùa chiền" thì đây là tiếng đôi cùng nghĩa.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo