xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cúc Phương - Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á

Thanh Tuấn

Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) vừa tiếp tục được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) vinh danh là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á năm 2024

Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh nặng ký khác trên thế giới như: VQG Fuji-Hakone-Izu (Nhật Bản), VQG Chitwan (Nepal), VQG Minnieriya (Sri Lanka), VQG Kinabalu và Taman Negara (Malaysia)... để được vinh danh tại hạng mục VQG hàng đầu châu Á năm 2024 (Asia's Leading National Park 2024).

Nỗ lực bền bỉ được đền đáp

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, cho biết giải thưởng không chỉ là nguồn động viên đối với Cúc Phương mà còn là tình cảm của cộng đồng trong nước và quốc tế cho những nỗ lực bền bỉ trong suốt hành trình hơn 60 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên VQG Cúc Phương qua các thời kỳ. Cùng với đó là sự ghi nhận những hy sinh, cống hiến của cộng đồng bản địa; các chuyên gia, nhà khoa học và hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

"Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao cho rừng Việt Nam, cho du lịch sinh thái Việt Nam" - ông Chính phấn khởi.

Để giữ vững được danh hiệu này trong 6 năm liên tiếp, VQG Cúc Phương luôn lấy hiệu quả bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học làm sản phẩm phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường rừng, dịch vụ du lịch sinh thái nhằm nâng cao nhận thức, phát triển sinh kế cộng đồng, vừa góp phần phát triển kinh tế nhanh, xanh, bền vững.

"Giải thưởng này tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái - loại hình du lịch đã và đang được khai thác tại các VQG, khu bảo tồn ở Việt Nam. Đây chính là động lực to lớn để các cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy và phát huy tính đa dụng của rừng; đồng thời được kỳ vọng là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp và du lịch Việt Nam ra toàn cầu" - Giám đốc VQG Cúc Phương tin tưởng.

Linh trưởng được cứu hộ, bảo tồn tại Cúc PhươngẢnh: Tuấn Minh

Linh trưởng được cứu hộ, bảo tồn tại Cúc PhươngẢnh: Tuấn Minh

Khách du lịch khám phá Cúc Phương Ảnh: VQG Cúc Phương

Khách du lịch khám phá Cúc Phương Ảnh: VQG Cúc Phương

Một bảo tàng thiên nhiên sống động

VQG Cúc Phương được thành lập năm 1962, với nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái và giáo dục môi trường.

Với diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương có giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam. Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật của Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo.

Ông Phạm Phú Cường, cán bộ VQG Cúc Phương, cho rằng Cúc Phương còn được xem như một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Đó là các hóa thạch, các hài cốt, các công cụ… trong các hang động, đây chính là những tài liệu quan trọng ghi lại cuộc sống của muôn loài, ghi lại sự biến đổi thăng trầm của lịch sử phát triển địa chất qua các thời kỳ.

Ở Cúc Phương, các nhà khoa học khảo cổ, lịch sử đã và đang công bố nhiều phát hiện có giá trị đặc biệt, nhất là về cổ sinh học và khảo cổ học, gắn với hệ thống hang động khô. Trong đó có thể kể đến như: Động Người Xưa, Hang Con Moong… những di chỉ khảo cổ học gắn với người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 7.000 đến 12.000 năm, đã trở thành những điểm tham quan quen thuộc của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, di tích khảo cổ học hang Con Moong (nằm trên địa giới hành chính huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) có giá trị đặc biệt, nổi bật về khảo cổ học, đang được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Với những giá trị to lớn đó, hiện Cúc Phương đã dần hình thành và vận hành thành công mô hình quản lý, bảo vệ, nghiên cứu và khai thác du lịch sinh thái nhằm mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức người dân và du khách tại các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên. Từ mô hình của Cúc Phương hiện nay đã hình thành một hệ thống trên cả nước, được hoàn thiện về pháp luật, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và góp phần làm nên bản đồ du lịch sinh thái Việt Nam.

Cứu hộ tê tê tại Trung tâm Cứu hộ thú ăn thịt và tê têẢnh: SVW

Cứu hộ tê tê tại Trung tâm Cứu hộ thú ăn thịt và tê têẢnh: SVW

Cứu hộ, bảo tồn nhiều loài động vật nguy cấp

Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ, phát triển đa dạng sinh học, VQG Cúc Phương hiện đang phối hợp với nhiều tổ chức cứu hộ, bảo tồn thành công nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm như: tê tê, linh trưởng (khỉ, voọc, đười ươi, cu li), cày, mèo rừng, rùa...

Trong số này, chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam; SVW); trung tâm cứu hộ linh trưởng là những chương trình cứu hộ, bảo tồn đã mang lại hiệu quả to lớn. VQG Cúc Phương đang cứu hộ và bảo tồn trên 180 cá thể của 14 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm; có 12 loài đã cho sinh sản thành công với trên 200 cá thể, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới: voọc mông trắng, voọc đầu trắng và voọc chà vá chân xám; có 6 loài mà không một nơi nào trên thế giới có được cứu hộ và chăm sóc duy nhất tại Cúc Phương.

Ngoài ra, chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê của VQG Cúc Phương đã giải cứu hơn 2.471 cá thể động vật hoang dã của 45 loài khác nhau, trong đó cứu hộ được 1.651 cá thể (nhiều nhất trên thế giới); sau khi cứu hộ đã tái thả về tự nhiên đạt trên 60%. Với những cống hiến thầm lặng của mình, năm 2021, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW, đã vinh dự nhận giải thưởng môi trường Goldman năm 2021 - giải thưởng danh giá nhất hành tinh về môi trường, được mệnh danh là "Nobel xanh" với tiền thưởng 200.000 USD (khoảng 4,6 tỉ đồng). 

Được vinh danh 6 năm liên tiếp

Đây là năm thứ 6 liên tiếp (từ năm 2019-2024), VQG Cúc Phương nhận được giải thưởng danh giá này. Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards; viết tắt là WTA) là giải thưởng hàng đầu thế giới trong ngành du lịch được tổ chức thường niên kể từ năm 1993. Đến nay, giải thưởng đã trở thành thương hiệu uy tín và danh giá bậc nhất thế giới trong việc tôn vinh các thành tựu xuất sắc của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực. Giải thưởng này còn được ví như giải Oscar của du lịch thế giới.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo