Thêm vào đó, tình trạng các thành phố phụ thuộc vào ô tô kéo theo nhiều mối nguy hiểm và ô nhiễm môi trường.
Ông Sam "Coach" Balto, 38 tuổi, đã khơi dậy phong trào "buýt đạp", tức thành lập các đoàn gồm trẻ em và gia đình cùng nhau đạp xe đến trường học, khi ông còn làm giáo viên thể dục ở Trường Tiểu học Alameda tại TP Portland, bang Oregon - Mỹ. Thật ra, trước ông Balto, ở Portland đã có phong trào "tàu đạp" vào năm 2010, do một người 24 tuổi ủng hộ xe đạp tên Kiel Johnson khởi xướng.
"Tàu đạp" gắn liền với trường tiểu học và những ai hứng thú sẽ gia nhập đoàn xe đạp đông đúc tại các điểm dọc theo tuyến đường đến trường. Tuy nhiên, anh Johnson chỉ duy trì được phong trào này đến năm 2012, một phần vì mạng xã hội lúc đó không bùng nổ như bây giờ.
Gần một thập kỷ sau, trong một chuyến đi đến Tây Ban Nha, anh Zach Klein - sống tại bang California, Mỹ - tình cờ gặp một nhóm đông học sinh đạp xe qua các con phố ở Barcelona. "Họ gọi nó là Bicibús - hay xe buýt đạp" - anh giải thích trong đoạn video do mình quay và đăng trên X vào tháng 10-2021.

Ông Sam Balto cùng các em nhỏ chạy “buýt đạp” đến Trường Tiểu học Alameda ở TP Portland - Mỹ. Ảnh: BIKE PORTLAND
Video này lan truyền trên mạng "nhanh như cháy rừng", theo mô tả của tờ The Guardian, và đến được với ông Balto. "Tôi khởi động tuyến "buýt đạp" tại trường mình dạy nhân ngày Trái đất năm 2022. Tôi mong muốn học sinh của mình năng động hơn, giảm ngồi ô tô và tìm được niềm vui khi đạp xe" - ông Balto kể với tờ People.
Trên hành trình đến trường hơn 1,5 km, đoàn "buýt đạp" đón học sinh và phụ huynh cùng tham gia. Theo ông Balto, đại dịch COVID-19 khiến trẻ em lẫn nhiều cộng đồng bị cô lập. Những chuyến "buýt đạp" không chỉ khơi gợi niềm vui, kết nối mọi người mà còn đẩy mạnh hoạt động thể chất, giảm thiểu tác động môi trường từ khói bụi xe cộ thải ra. "Riêng với trẻ em, lợi ích của việc đạp xe thường xuyên rất lớn. Bọn trẻ có cơ hội gắn kết với xã hội, xả năng lượng và sẵn sàng học tập hơn" - ông nhận định.
Được sự tiếp sức của mạng xã hội, ông Balto đã biến "buýt đạp" thành một xu hướng rộng khắp. Ông ước tính có hơn 200 tuyến "buýt đạp" trên khắp nước Mỹ. Riêng tại Portland, "buýt đạp" trở thành sự kiện địa phương quan trọng vào thứ tư hằng tuần, với hơn 100 học sinh cưỡi "ngựa sắt" cùng đến trường.
Bình luận (0)