Bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có khoảng 50 ha rừng đinh hương cổ thụ được người dân canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt nhiều năm nay. Để gìn giữ rừng đinh hương đặc biệt quý hiếm này, mấy chục năm nay, người dân Na Hang đã lập ra hương ước bảo vệ, thay nhau tuần tra, canh gác khu rừng.
Ông Kha Văn Tuấn, người dân bản Na Hang, cho biết rừng đinh hương ở đây không biết có từ bao giờ. Người dân Na Hang rất quý khu rừng này, xem là tài sản chung của cả bản. Nhiều năm nay, không có cây đinh hương nào ở Na Hang bị chặt phá.
Theo ông Kha Văn Ót, Trưởng bản Na Hang, những năm gần đây, địa phương được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền nhận được khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm, tuy không nhiều nhưng cũng giúp bản có nguồn kinh phí hỗ trợ các tổ bảo vệ rừng.
Ông Lô Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, cho rằng nhờ việc người dân đồng lòng lập ra hương ước bảo vệ mà khu rừng quý ở bản Na Hang được giữ nguyên vẹn.
Cũng tại huyện Tương Dương, rừng săng lẻ nguyên sinh hàng trăm hecta ở xã Tam Đình, với hàng chục ngàn cây cả trăm năm tuổi, đường kính 1-2 m, cao 20-40 m, được người dân thay nhau chăm sóc, bảo vệ. Để bảo vệ hiệu quả khu rừng, người dân Tam Đình cũng tự lập ra hương ước - ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị trước dân. Hằng ngày, người dân tự cắt cử người luân phiên đi kiểm tra, bảo vệ khu rừng.

Nhờ hương ước của người dân mà khu rừng săng lẻ tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được bảo vệ chu đáo
Ông Nguyễn Hải Âu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, khẳng định khu rừng nguyên sinh gồm quần thể săng lẻ cổ thụ này là "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam. Việc khu rừng đặc dụng này được bảo tồn nguyên vẹn có công rất lớn của người dân địa phương.
Trong khi đó, tại bản Hốc, xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, cũng nhờ người dân lập hương ước bảo vệ mà khu rừng nguyên sinh 200 ha với nhiều loài cây quý được giữ nguyên. Theo người dân địa phương, hương ước bảo vệ rừng ở đây chỉ theo hình thức truyền miệng, tồn tại đã bao đời nay.
Ông Quang Văn Đồng, Trưởng bản Hốc, cho rằng nhờ có hương ước mà dân bản bao đời nay đã bảo vệ được khu rừng nguyên sinh. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Diễn Lãm, cũng nhìn nhận như vậy...
Nghệ An có hơn 1 triệu ha rừng, trong đó 790.000 ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Ngoài cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, thời gian qua, tại nhiều địa phương ở Nghệ An, người dân đã tham gia nhiệt tình vào việc bảo vệ rừng. Cụ thể, tại các huyện như Tương Dương, Quỳ Châu, Thanh Chương, Yên Thành, Kỳ Sơn…, người dân đã tự lập hương ước cùng nhau bảo vệ rừng.
Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, đặc biệt là việc người dân lập ra hương ước bảo vệ, mà nhiều khu rừng tại địa phương được chăm sóc, gìn giữ chu đáo. Việc người dân chủ động tham gia, được trả một phần kinh phí bảo vệ rừng, cần được nhân rộng để rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn trong thời gian tới.
Bình luận (0)