Nhờ chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, khu vực biên giới của tỉnh Lào Cai đã có những đổi thay mạnh mẽ. Người dân các thôn, bản biên cương không chỉ thi đua phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa mà còn tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới.
Đổi thay nơi biên ải
Huyện biên giới Mường Khương, nơi bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đang từng ngày hồi sinh mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Cách đây tròn 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Rạng sáng 17-2-1979, phía Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực tấn công quân sự đối với Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Suốt dọc biên giới dài hơn 1.000 km, từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), tiếng súng lập tức vang rền không khoan nhượng trong cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Lịch sử dân tộc và nhân dân mãi mãi khắc ghi và không bao giờ quên những ngày tháng Hai oanh liệt, oai hùng đó.
Ông Lê Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Pha Long, huyện Mường Khương cho biết đến nay 100% đường thôn, liên thôn được đổ bê tông và rải cấp phối; 80% đường ngõ xóm được cứng hóa, toàn bộ các hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pha Long đã giúp dân quy hoạch và khai hoang được 165 ha ruộng nước, trồng hơn 700 ha ngô, đậu tương bằng giống cao sản; hỗ trợ dân lập trang trại sản xuất nông sản sạch, như: gạo Séng Cù, heo đen Mường Khương... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho đồng bào.
Theo Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng, huyện có 16 xã, thị trấn, gồm 157 thôn, tổ dân phố, trong đó có 9 xã, thị trấn giáp biên, dân số trên 68.477 người, 14.196 hộ gồm 23 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm trên 87,59%. Toàn huyện có 71,668 km đường biên giới. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Mường Khương vẫn có những khởi sắc trong công tác giảm nghèo.
Kết thúc năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã tăng lên, đạt 31,07 triệu đồng/người. Số hộ nghèo năm 2023 là 4.711 hộ, chiếm 33,19%; hộ cận nghèo là 3.825 hộ, chiếm 26,94%, tỉ lệ giảm nghèo toàn huyện năm 2023 đạt 6,55%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Các chính sách dân tộc đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện hiện có trên 16.800 ha cây trồng hàng hóa, mang lại nguồn thu hơn 640 tỉ đồng mỗi năm.
45 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, tỉnh Cao Bằng hôm nay dù vẫn còn nghèo nhưng đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cho biết giai đoạn 2021-2023, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh vẫn đạt 5,46%, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 44 triệu đồng.
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng tổ chức công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là sự kiện ghi dấu mốc để tỉnh khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện trong thời kỳ mới.
Trong năm 2023, tỉnh cũng công bố vận hành thí điểm qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc được tổ chức thành công tốt đẹp; các sự kiện giới thiệu Cao Bằng, du lịch Cao Bằng tại Hà Nội gây được tiếng vang lớn, góp phần thu hút số lượng lớn du khách đến địa bàn (thực tế đã có số lượng lớn các lượt khách lên Cao Bằng sau đại dịch) đã chứng minh quyết sách đúng đắn trong lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự triển khai kiên trì, hiệu quả của UBND tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Trong năm 2023, Cao Bằng cũng thu hút trên 280 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn (bao gồm cả giá trị hàng hóa giám sát) 721 triệu USD, vượt 13% kế hoạch.
Bước vào năm 2024, Cao Bằng liên tiếp đón nhận nhiều tin vui khi chính thức nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang lên cửa khẩu quốc tế và thông quan Lối mở Nà Đoỏng - Nà Ráy; chính thức khởi công giai đoạn 1 tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong sự hân hoan, phấn khởi, kỳ vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh.
Là một xã miền núi cách trung tâm TP Móng Cái 35 km, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 12 km, gồm 3 dân tộc anh em (Kinh, Dao, Sán Chỉ) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao, Sán Chỉ chiếm đến 86,8%, xã Hải Sơn được xác định là địa bàn vùng cao, biên giới có vị trí trọng yếu chiến lược về Quốc phòng - an ninh và luôn được đón nhận sự quan tâm của các cấp các ngành. Gần nửa thế kỉ trôi qua, mảnh đất Hải Sơn giờ đã hồi sinh. Cuộc sống mới bình yên với những mái nhà cao tầng kiên cố, sắc vàng của đồng lúa bội thu, sắc xanh của những cánh rừng bạt ngàn.
Ông Vũ Tuấn Anh, Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Hải Sơn, cho biết hiện xã có gần 400 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là Sán Chỉ, Dao và Kinh. Trong những năm qua xã Hải Sơn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, TP Móng Cái quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ. Từ đó, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, mức thu nhập của người dân tăng cao, đạt trên 65 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 xã không còn hộ nghèo.
Sau khi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, Hải Sơn đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, trở thành điểm sáng trong xây dựng kinh tế và đời sống văn hóa, một địa chỉ du lịch hấp dẫn của TP Móng Cái.
Đặc biệt, hồi tháng 9-2023, tại xã Hải Sơn, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và khánh thành dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Giai đoạn 2.
Tuyến đường hoàn thành ngoài việc cải thiện điều kiện giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư tuyến đường còn là động lực để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, vùng núi khó khăn, góp phần phát triển nhanh, mạnh khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tạo sức hút mạnh về vận tải hàng hóa thông qua tuyến tới các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và ngược lại, đồng thời góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.
Gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, hàng năm TP Móng Cái và xã Hải Sơn đã tổ chức các sự kiện lớn tại địa phương như: Lễ hội Hoa sim biên giới, Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc xã Hải Sơn thu hút đông đảo du khách thập phương đến với lễ hội và đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho người dân.
Uống nước nhớ nguồn
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý, nguyên chuẩn úy trinh sát Đồn Biên phòng Pò Hèn, một trong số rất ít người lính có mặt ở Pò Hèn vào ngày 17-2-1979 hiện còn sống, bảo rằng cuộc chiến đã lùi xa 45 năm, nhưng chúng ta không bao giờ được phép lãng quên, bởi đó là một phần của lịch sử dân tộc.
Ngày hôm nay (17-2), ông Lý cùng các đồng đội còn sống, cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã nghỉ công tác, lại tề tựu tại TP Móng Cái để lên Pò Hèn thắp hương cho các đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc cách đây tròn 45 năm.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh đang quản lý hơn 33.000 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó: 5.644 liệt sĩ; 2.633 thương binh, bệnh binh; 207 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng; 363 cán bộ lão thành cách mạng; 425 cán bộ tiền khởi nghĩa; 7 anh hùng lực lượng vũ trang…
Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn, đáp nghĩa". Toàn tỉnh đã bảo đảm 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú. 100% xã/phường làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết nhà nước và nhân dân ta luôn tự hào và biết ơn vô hạn lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Trong 10 năm bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989), Hà Giang là chiến trường ác liệt nhất, với ý chí "Một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử", quân và dân ta đã bảo vệ vẹn toàn biên cương của Tổ quốc.
Hiện nay toàn tỉnh Hà Giang có 2.165 liệt sĩ; 1.779 thương binh, bệnh binh; 1.092 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 11 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; 46 người có công với cách mạng; 196 cán bộ tiền khởi nghĩa; 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 69 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", những năm qua, việc chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được các cấp, ngành và đông đảo nhân dân trong tỉnh tích cực thực hiện. Từ đó đã kịp thời động viên, tạo điều kiện cho gia đình từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân các Anh hùng liệt sĩ, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên để an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Những phần mộ liệt sĩ đều được lát đá trang trọng, chăm sóc chu đáo, có hoa và hương khói quanh năm, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, thế hệ hôm nay với sự hy sinh to lớn của các anh, giúp ấm lòng đồng đội, người thân và sưởi ấm linh hồn người ở lại. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên cũng là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên - nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt trên các điểm cao 1590, 1100, 865, 772, 468, 300, 400, 233, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm... vào những năm 1984-1989. Đặc biệt, vào tháng 7-1984, chỉ trong một ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh. Nay cuộc sống của người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày.
Bình luận (0)