Ông Hoàng Như Lý, cựu binh cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ngày 17-2-1979, nhớ lại: "41 năm đã đi qua kể từ cái ngày đẫm máu ấy, tôi vẫn chưa lúc nào nguôi quên. Đau xót lắm, thương xót lắm! Mỗi khi nghĩ đến hình ảnh đồng đội đã ngã xuống anh dũng hy sinh là tôi không sao cầm được nước mắt".
Ký ức còn mãi
Theo cựu binh Hoàng Như Lý, nguyên là trinh sát viên Đồn 209 Pò Hèn thuộc Lực lượng Công an Vũ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay - PV) tỉnh Quảng Ninh từ năm 1972-1979, trong trận chiến bảo vệ Tổ quốc năm ấy, 60 cán bộ, chiến sĩ của Đồn 209 cùng với các chiến sĩ tự vệ của lâm trường, cán bộ, nhân viên thương nghiệp đã can trường chiến đấu giáp lá cà với hàng trăm tên địch. 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã giành giật từng tấc đất, từng mét giao thông hào để bảo vệ đồn và anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu diễn ra sáng 17-2-1979.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải - một cựu binh Sư đoàn 356 - tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang)
Năm nay, kỷ niệm 41 năm ngày giỗ của các đồng đội, cựu binh Hoàng Như Lý mang cuốn hồi ký "Hiên ngang Pò Hèn - Ký ức còn mãi" - một cuốn sách do ông viết, vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành, lên Nghĩa trang Liệt sĩ Pò Hèn để thắp hương cho những đồng đội của mình.
"Những trang viết này là tâm nguyện cả đời tôi, chỉ mong góp một phần rất nhỏ để thế hệ hôm nay mãi mãi không quên tinh thần chiến đấu quả cảm và những tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ biên cương của Tổ quốc" - vị cựu binh Đồn Pò Hèn chia sẻ.
Còn nhớ, năm ngoái - cũng vào dịp tháng 2 này, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại". Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khẳng định cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (từ tháng 2-1979 đến tháng 9-1989) là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam. Ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400 km. Nhân dân Việt Nam, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi.
Đập tan mưu đồ xâm lược
Nói về bài học từ cuộc chiến năm 1979, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - nhấn mạnh lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng bình thường chúng ta luôn thể hiện mối bang giao rất tốt, luôn sống hòa bình, hữu nghị với các quốc gia láng giềng, bạn bè quốc tế nhưng nếu các thế lực thù địch có mưu đồ lấn chiếm, mưu đồ xâm lấn hay xâm lược thì dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ cho họ thực hiện được mưu đồ ấy. "Bây giờ, chúng ta đang sống trong một thế giới đan xen giữa cơ hội, thách thức và phức tạp. Chúng ta phải luôn có một cái đầu "lạnh" vừa hòa nhập với thế giới để phát triển kinh tế - xã hội mạnh và bền vững; bảo đảm an ninh quốc phòng vững mạnh nhưng chúng ta cũng luôn độc lập, tự chủ; có vị thế trên trường quốc tế và góp phần vào sự ổn định, hòa bình của khu vực, thế giới" - Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng nhắc đến sự kiện này, chúng ta nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn tầm vóc ý nghĩa lịch sử, tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; đồng thời tôn vinh, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh cho đất nước...
Xác nhận gần 6.000 hồ sơ liệt sĩ, thương binh
Từ năm 2018 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp đưa vào vận hành Cổng thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ để giúp người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ.
Trong một thời gian ngắn, gần 6.000 hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh được xem xét giải quyết, với gần 2.000 liệt sĩ được xác nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; 2.600 hồ sơ xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh.
Bình luận (0)