Chúng tôi có dịp tham gia buổi tuần tra của Đồn Biên phòng Si Ma Cai - Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, do thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, phó đồn trưởng, chỉ huy. Đến dải đất biên giới Si Ma Cai với một bên là núi non hiểm trở, một bên là nơi giao nhau giữa sông Xanh (sông Chảy) và sông Trắng, hợp thành ngã ba biên giới, là chuyến về nguồn đáng nhớ.
Nắng treo lưng chừng núi, chúng tôi theo con đường mòn để đến cột mốc 171 (2), thường gọi là Hóa Chư Phùng, thuộc thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Cột mốc uy nghi bên dòng sông cuồn cuộn sóng xô.
Lần đầu tiên tôi được chứng kiến các chiến sĩ biên phòng thực hiện nghi thức chào cột mốc. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường cho biết những buổi tuần tra phối hợp cùng dân quân xã như thế này đã thành quy định.
Buổi tuần tra hôm đó có thêm 2 nữ dân quân người Mông là Giàng Thị Dín và Vàng Sẻo Mẩy mang trang phục phụ nữ Mông Hoa tạo nên sắc màu quân - dân bền chặt. Trên con đường chênh vênh vách đá, bóng áo người lính cùng sắc phục thiếu nữ Mông ẩn hiện trong màu xanh cây rừng làm nổi bật cung đường tuần tra.
Sau khi quan sát dọc đường biên và quanh cột mốc không có dấu hiệu lạ, tổ tuần tra tiến hành nghi lễ chào cột mốc. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường chỉ huy buổi tuần tra làm các động tác theo nghi thức trước hàng quân trang nghiêm.
Giữa thâm sơn cùng cốc, trong tôi dâng trào cảm xúc ngân vang Quốc ca hùng tráng. Biên thùy xa xôi, mấy ngàn đời trước ai đã đến nơi đây, mấy ngàn đời máu xương cha ông ta đã đổ để gìn giữ cột mốc kiên cố vững bền như hôm nay. Cột mốc làm bằng đá cẩm thạch dưới nắng như bừng sáng hồng lên màu hổ phách. Bên sông Chảy dòng nước ầm ào kia là phên dậu biên cương ngàn năm vững bền. Những hình ảnh hôm nay tại cột mốc Hóa Chư Phùng sẽ là hình ảnh đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc của chuyến đi.
Trong hàng ngũ chào cột mốc, tôi để ý đến người đàn ông đã quét dọn cột mốc lúc chúng tôi vừa tới. Tôi đem tâm sự hỏi thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường thì được anh giới thiệu: Đó là ông Phàn Dung Phủ, người dân tộc La Chí. Thiếu tá Cường nói người dân nơi đây ví ông Phủ là "cột mốc sống Hóa Chư Phùng".
Sau cái bắt tay, ông Phàn Dung Phủ mời chúng tôi vào căn nhà chỉ cách cột mốc 171 (2) chừng vài chục mét. Căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Trong nhà dường như chỉ có những vật dụng lao động và đồ sinh hoạt thường ngày. Khi hỏi về tài sản gia đình, ông Phủ vung tay chỉ lên rẫy ngô bạt ngàn xanh thẫm, chỉ vào đàn trâu đang gặm cỏ trên đồi, chỉ vào đàn gà, vịt rồi khoe: "Tôi có nhiều thứ lắm, đủ ăn và tiếp khách! Còn nữa, tất cả sông suối này và cột mốc đây cũng là đất đai tôi canh giữ cả đấy!".
Một câu nói mà tôi thấy có lẽ hay nhất từ hôm lên biên giới này. Sướng khổ, giàu nghèo là do cách nhìn nhận, quan điểm của mỗi người. Gia đình ông Phủ ba đời gắn bó bên cột mộc Hóa Chư Phùng, với dòng sông biên giới, với rừng núi Hóa Chư Phùng che chở nắng mưa.
Giữa thâm sơn cùng cốc, bên cột mốc biên cương này chỉ có duy nhất gia đình ông Phủ. Hằng ngày, ngoài làm nương rẫy, chăn nuôi, ông còn chăm lo phát cỏ, quét dọn cột mốc như là công việc của gia đình mình. Ông còn âm thầm bảo vệ cột mốc, hễ có kẻ xấu xâm nhập qua biên giới là ông báo tin về cho cán bộ đồn biên phòng. "Về bản sống cũng vui nhưng tôi quen cuộc sống như thế này rồi. Ở đây mới tiện trông coi, giúp bộ đội giữ gìn biên giới" - ông Phủ bộc bạch.
Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Ma Cai Nguyễn Mạnh Cường cho rằng chính gia đình ông Phàn Dung Phủ ngày đêm canh giữ biên cương, gắn bó với cột mốc biên giới này. "Chú ấy rất tích cực giữ gìn cảnh quan cho cột mốc, cung cấp thông tin cần thiết, tình hình biên giới khu vực lối mở Hóa Chư Phùng. Nhiều thông tin đã được Đồn Biên phòng Si Ma Cai xử lý, từ đó có giải pháp bảo vệ đường biên cột mốc, an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm" - thiếu tá Cường nói.
Với tôi, ông Phàn Dung Phủ chính là cột mốc sống từ lòng dân, ngày đêm canh giữ đất quê hương. Cột mốc từ ông đã là nguồn cảm hứng lan tỏa sang con cháu cũng như cộng đồng nơi đây về gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia.
Mời bạn đọc tiếp tục tham gia viết bài
Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 năm 2023 - 2024 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-7-2023 đến 31-5-2024.
Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài dự thi của bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Bám sát nội dung, chủ đề cuộc thi, các bài viết phản ánh sinh động công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia; khắc họa hình tượng đẹp đẽ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; ca ngợi tình yêu biển đảo quê hương, đất nước; phản ánh đa dạng tình đoàn kết quân - dân trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo vệ vùng biên, xây dựng đường biên giới hòa bình - hữu nghị với các nước bạn.
Với mong muốn cuộc thi trở thành diễn đàn để bạn đọc gửi gắm, bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, cũng như đề xuất, hiến kế ý tưởng, giải pháp về tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia, Báo Người Lao Động mời bạn đọc tiếp tục gửi tác phẩm tham dự.
Ban Tổ chức khuyến khích tác giả viết phóng sự, ký báo chí, giới thiệu những câu chuyện hay, chân thực bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc; khuyến khích các bài viết gắn với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động thực hiện với 4 hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc" và "Vững tuyến đầu, chắc hậu phương".
Bạn đọc tham khảo thể lệ chi tiết của cuộc thi tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-20230731170758153.htm.
Tòa soạn
Bình luận (0)